Áp lực học tập khiến con gục ngã
Con 14 tuổi. Năm sau con sẽ vào lớp 10. Ba mẹ kì vọng rất nhiều vào con. Họ bắt con học, học, học. Một ngày của con bắt đầu từ 5h45 sáng đến 10h tối. Ngày nào cũng thế, con cảm thấy kiệt sức rất nhiều. Đôi lúc con muốn xin nghỉ một ngày nhưng không thể. Đôi khi con mệt đến mức gục hẳn ở lớp. Con biết năm cuối cấp chương trình bài sẽ rất nặng nhưng con mệt lắm.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Những điều căn bản khi giáo dục con cái mà cha mẹ nên biết
- Tư vấn tâm lí cho học sinh
Thân chủ:
Mẹ con luôn nghe theo hướng 1 chiều, cô giáo nói: Không ép buộc học sinh phải đi học thêm, hãy để các cháu tự sáng tạo học. Mẹ con lại nghe thành: Khuyến khích học sinh học thêm, càng học sẽ càng giỏi thêm.
Con gục ngã lắm rồi, bây giờ con nên làm gì? Con phải nói sao cho mẹ nghe và hiểu? Con suy sụp đến mức bản thân con không còn sức, khoảng thời gian trốn duy nhất chính là giờ ra chơi. Về nhà sẽ phải học tiếp. Cả tuần rồi lại cả tháng rồi lại cả năm. Ngày nào cũng là ngày học. Chưa bao giờ có hai từ Ngày Nghỉ.
Con nên làm gì? Con xin từ bỏ mọi thứ. Nếu cứ đà này con tin chắc con sẽ không thể vượt qua rào cản áp lực của bản thân.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn Tư vấn An Nam là nơi để gửi gắm những tâm sự của mình. Đọc thư của bạn, tôi rất thông cảm với hoàn cảnh căng thẳng và áp lực học tập của bạn. Vấn đề của bạn được chuyên gia tư vấn chia sẻ như sau:
Qua những điều bạn tâm sự trong thư, tôi hiểu rằng bạn đang cảm thấy nghẹt thở trước những áp lực học tập mà bố mẹ đặt lên mình. Không chỉ thế, việc bố mẹ không hiểu lòng mình mà liên tục bắt ép cũng khiến bạn thấy bất lực và thất vọng rất nhiều. Nếu không phải một đứa con hiếu thảo và ngoan ngoãn thì bạn đã không trải qua nhiều nỗi khổ tâm như vậy. Những ai ở vào hoàn cảnh như bạn đang trải qua chắc hẳn sẽ hiểu được cảm giác của bạn hiện giờ. Vào năm cuối cấp, nhiều cha mẹ chỉ nhìn thấy việc học là quan trọng nhất chứ không quan tâm đến những nhu cầu khác của các con. Cho dù là mong muốn tưởng chừng nhỏ bé nhất là được có một Ngày Nghỉ cũng trở nên xa vời. Bạn biết việc học cuối cấp rất nặng, cũng rất quan trọng nhưng việc học cũng khiến bạn kiệt sức, trong khi đó bố mẹ dường như không chia sẻ và thấu hiểu cho bạn.
Để có thể hỗ trợ bạn tốt hơn, tôi rất mong bạn có thể tự suy xét và cung cấp thêm một số thông tin. Câu hỏi đầu tiên và cũng quan trọng nhất, bạn đã làm gì để cải thiện tình hình của mình? Bất kỳ bố mẹ nào cũng quan tâm đến con của mình theo cách này hay cách khác. Trong trường hợp của bạn, bố mẹ tin tưởng và kì vọng vào bạn rất nhiều nhưng đồng thời họ cũng khiến bạn cảm thấy bị vắt kiệt sức lực. Bị áp lực trong một thời gian dài như vậy, bạn đã phản ứng lại với cách áp đặt của bố mẹ như thế nào?
Tiếp theo, bạn nói bạn cảm thấy kiệt sức và đôi khi gục hẳn ở lớp, vậy ý bạn là bạn đã ngất đi ở lớp hay như thế nào? Một người có thể bị kiệt sức về mặt tinh thần hay về mặt thể chất, bố mẹ bạn có thể không đủ tinh tế để quan sát thấy sự mệt mỏi và thất vọng trong lòng bạn, nhưng nếu bạn đã có những dấu hiêụ kiệt quệ về mặt thể chất thì đó hẳn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về những áp lực học tập họ đang đặt lên con cái. Những khi bạn mệt mỏi như vậy bạn đã nói chuyện với bố mẹ như thế nào? Khi mẹ bạn hiểu sai ý của cô giáo hay không hiểu ý của bạn thì bạn đã có biện pháp gì để khiến mẹ hiểu?
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Tôi biết rằng có những lúc bạn cảm thấy không thể làm gì để cải thiện tình hình của mình, không thể xin một ngày nghỉ, không thể nói cho mẹ hiểu được mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn đã có thể kiên trì gánh vác những kì vọng và áp lực từ bố mẹ trong suốt thời gian qua, thế nên tôi tin rằng với sự mạnh mẽ đó, bạn hoàn toàn có đủ khả năng để lượt qua tình cảnh hiện tại.
Trong những năm cuối cấp 2, nhiều bố mẹ chỉ chăm chăm lo lắng xem con mình có đỗ được vào một trường cấp 3 tốt hay không mà bỏ qua những nhu cầu khác của con. Ở lứa tuổi này, các con cũng muốn được vui chơi, kết bạn, được khám phá thế giới mới lạ đầy điều kì thú, ngay cả việc học cũng cần “sáng tạo học” theo cách như giáo viên của bạn nói. Ngay cả người lớn cũng chưa chắc chịu đựng được việc phải suốt ngày suốt đêm vùi đầu vào sách vở trong căn phòng chật chội đến nghẹt thở với những ép buộc, những gánh nặng mà người khác đè lên vai.
Việc học ảnh hưởng phần nào đến tương lai của bạn, đó là sự thật, như vậy chính bạn mới là người cần chịu trách nhiệm cho nó chứ không phải bố mẹ bạn. Mỗi người đều cần tự đi trên đôi chân của mình chứ không phải nhờ ai khác lôi kéo hay thúc đẩy. Tự bạn có sức mạnh và tự lập của mình, tự bạn có thể quyết định việc mình học như thế nào, nghỉ ngơi như thế nào, mục đích của việc học là gì, cho dù bố mẹ bạn có nói gì làm gì thì đó cũng chỉ là những lời khuyên chứ chưa chắc là ý muốn của chính bản thân bạn. Những lời khuyên đó có thể mang giá trị tham khảo, còn quyết định là ở chính bạn. Chỉ khi bạn tự đảm nhận lấy trách nhiệm cuộc đời mình thì bố mẹ bạn mới không có cơ hội “quyết định hộ” cuộc đời bạn. Chỉ khi bạn làm theo điều mình thực sự mong muốn thì thành quả mới đáng giá. Những khúc mắc giữa bạn và bố mẹ không chỉ sẽ gây ảnh hưởng đến việc học của bạn, đến sức khỏe của bạn mà còn gây ảnh hướng đến mối quan hệ gia đình, bởi qua thư tôi nhận thấy dường như bạn không cảm thấy hạnh phúc và thoải mái trong chính ngôi nhà của mình.
Những người trong hoàn cảnh của bạn có nhiều cách phản ứng khác nhau khi những nhu cầu và nguyện vọng của mình bị bố mẹ gạt đi. Đó là lý do tôi muốn hỏi bạn xem bạn đã làm gì để đương đầu với tình cảnh khi mà mong muốn của bạn không được đáp ứng, nếu cách thức hiện tại không mang lại hiệu quả, bạn có thể cân nhắc các cách khác. Có người chọn cách phản ứng tiêu cực như bỏ học đi lang thang ở ngoài, không chịu hoàn thành bài vở, hay thậm chí nhịn ăn, xé sách vở, bỏ nhà,… khi bố mẹ nhất định áp đặt một thô bạo. Tuy vậy, như tôi đã nói ở trên, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu học cách chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình rồi. Những phản ứng tiêu cực một mặt có thể phá vỡ những ép buộc, nhưng mặt khác chúng cũng khiến chính bản thân bạn tổn thương, nói cách khác chính là một con dao hai lưỡi.
Cũng có những người chọn cách phản ứng tích cực như nói chuyện thật nhiều và năn nỉ bố mẹ cho mình nghỉ ngơi một chút sau những giờ học vất vả, hay thỉnh thoảng thể hiện ra mặt mình mệt mỏi như thế nào. Có người nhờ đến giáo viên để nói cho mẹ hiểu rõ cách học hiệu quả nhất để bà không bắt ép nữa.
Hoặc như nhiều người chọn cách thức trung lập hơn như thông báo cho bố mẹ rằng mình sẽ học vào những lúc nào và sẽ nghỉ ngơi vào những lúc nào rồi cứ theo đó mà làm. Có thể ban đầu bố mẹ không coi trọng lời nói và cho là trò đùa. Nhưng sau đó khi thấy con thực sự làm thì bắt đầu tức giận khi con không làm theo ý mình và có thể có phản ứng từ khuyên nhủ về tương lai hay nói nặng lời, thậm chí gay gắt hơn là động chân động tay. Những khi đó các bạn học sinh có thể thuyết phục bố mẹ cho mình một khoảng thời gian nhất định để học theo cách mình muốn hoặc thảo luận với bố mẹ về mục tiêu học hành của mình. Có nhiều bạn thà được vừa học vừa chơi và có kết quả ở mức trung còn hơn là ngày ngày cắm mặt vào sách vở để rồi có kết quả cao. Thậm chí việc chỉ học, học, học cũng chưa chắc đảm bảo rằng các con sẽ có kết quả học tập cao. Quan trọng nhất, như tôi đã nêu trên, giả sự bạn có đạt được những thành tích cao, nhưng nếu đó không phải điều bạn mong muốn thì chúng chỉ đáng quý với bố mẹ bạn chứ chẳng có ý nghĩa gì với bạn. Cũng có thể qua tìm hiểu, nói chuyện thêm bạn có thể tìm thấy những điều bạn thực sự hứng thú và sẵn sàng đánh đổi sức lực để đạt được nó.
Có bạn nọ mỗi khi thực sự mệt mỏi đến khó chịu đều vừa cười vừa than vãn một cách hài hước với mẹ rằng “Con mệt chết đi được” hay “con muốn ngất” giống như đang nói đùa vui. Đến một ngày khi bạn đó và mẹ cùng nói chuyện nghiêm túc về việc học hành, bạn đó nói rằng “những khi con nói như vậy thì ý con là vậy thật đấy, con thực sự mệt, còn mẹ lại không coi đấy là thật”. Nhiều bạn có thể nói thẳng với bố mẹ rằng mình mệt và mình cần nghỉ ngơi, không phải theo cách “cố thêm vài tháng nữa rồi tha hồnghỉ” mà là thời gian học-nghỉ cố định trong ngày. Con người không phải rô bốt, con người cũng cần nghỉ ngơi mỗi ngày. Dù kì vọng của bố mẹ có lớn, dù bạn cần học thì mới có tương lai, thì sức khỏe cũng là điều kiện cần để làm bất cứ việc gì.
Theo bạn, đâu là cách thức phản ứng thích hợp với bản thân bạn cũng như hoàn cảnh gia đình bạn nhất? Bố mẹ có thể rất tự hào về bạn và biến những kì vọng thành áp lực học tập, nhưng với sự mạnh mẽ và ý chí của bạn, tôi tin bạn có thể tự đưa ra những quyết định sáng suốt để đương đầu với tình cảnh của mình.
Trong khuôn khổ bức thư này, tôi chỉ có thể cùng bạn thảo luận một sốkhía cạnh trong vấn đề của bạn như trên. Mong rằng những điều tôi chia sẻ có thể giúp bạn phần nào trong quá trình vượt qua những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Chúc bạn có thể giữ vững sự bình tĩnh và kiên định của mình!
Thân chào bạn.
Bài viết liên quan:
- Dịch vụ tư vấn nhanh qua E-mail có tính phí
- Lợi ích, tầm quan trọng và phương pháp giáo dục học tập cho con cái