Suy nghĩ tiêu cực và nghĩ đến cái chết, cháu phải làm sao?
Cháu 16 tuổi, có học lực khá ổn. Tuy nhiên thời gian gần đây tâm lý của cháu có sự thay đổi. Cháu thường xuyên cảm thấy buồn chán, ít nói, khó tập trung vào học tập và thích ở một mình. Bố mẹ cháu đặt nhiều kỳ vọng ở cháu khiến cháu cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực. Một tuần nay cháu bắt đầu nghĩ rất nhiều về cái chết và muốn nhìn thấy máu. Các bạn trong lớp cũng nói rằng cháu có những cư xử kì lạ. Hiện tại cháu đang rất sợ về vấn đề này. Cháu phải làm sao ạ? Mong chuyên gia tư vấn giúp cháu ạ.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Cháu phải làm sao khi bản thân có nhiều suy nghĩ tiêu cực?
- Suy nghĩ tiêu cực, em phải thay đổi như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Tư vấn An Nam!
Cháu năm nay 16 tuổi, học lực của cháu khá tốt nhưng dạo gần đây cháu rất khó tập trung trong mọi việc, kể cả học. Cháu bắt đầu ít nói và hay buồn vô cớ, tâm trạng cũng thay đổi đột ngột. Cháu thấy mệt và luôn muốn ngủ. Cháu rất thích ở một mình. Kì hai của cháu bắt đầu sa sút, cháu cảm thấy chán nản. Ba mẹ cháu luôn nói cháu là niềm tự hào của gia đình. Cháu thực sự không thích và cũng rất sợ những câu như thế. Cháu cảm thấy vô cùng áp lực. Một tuần nay cháu đã nghĩ rất nhiều về cái chết, nó luôn xuất hiện trong đầu và cháu bắt đầu muốn nhìn thấy máu. Những người bạn cùng lớp nói rằng cháu cư xử kì lạ rất nhiều so với đầu năm học. Cháu đang rất sợ. Mong chuyên gia tư vấn giúp cháu.
Chuyên gia tư vấn tâm lý:
Cháu thân mến!
Trước tiên, cảm ơn cháu đã tin tưởng gửi những lời tâm sự của mình về chuyên mục Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư Vấn An Nam.. Đọc những dòng tâm sự của cháu, tôi hiểu được tâm trạng của cháu trong lúc này. Tôi lắng nghe, chia sẻ và xin được tư vấn như sau.
Như những gì cháu chia sẻ, tôi biết cháu năm nay 16 tuổi, có học lực khá tốt. Tuy nhiên thời gian gần đây cháu bắt đầu có những thay đổi trong suy nghĩ của chính mình, các vấn đề trong cuộc sống cũng bắt đầu trở nên khó khăn hơn. Cháu thường không tập trung được vào các công việc của mình, kể cả việc học. Tâm trạng thay đổi thất thường, buồn chán vô cớ, luôn mệt mỏi, buồn ngủ và thích ở một mình. Từ trước đến nay cháu đã khi nào gặp phải vấn đề như thế này? Trong cuộc sống và học tập những lúc cháu thấy mệt mỏi, căng thẳng cháu thường làm gì để vượt qua những chuyện đó? Xung quanh cháu những mối quan hệ bạn bè, việc chia sẻ với mọi người ra sao? Cháu có nói rằng bố mẹ cháu luôn nói cháu là niềm tự hào của gia đình, khiến cháu rất áp lực. Vậy từ trước đến nay, bố mẹ cháu có áp đặt mọi vấn đề trong cuộc sống, học tập cho cháu hay không? Bố mẹ có hiểu và thường xuyên quan tâm đến các vấn đề của cháu. Có khi nào cháu nói được những khó chịu trong lòng mình cho bố mẹ nghe không? Nếu bản thân cháu áp lực về những gì bố mẹ cháu đang kỳ vọng ở cháu cũng sẽ khiến cháu có những suy nghĩ như thế bởi cháu luôn cố gắng vì mục tiêu mọi người đưa ra. Sẽ có những lúc cháu cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, cần có người lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn đó với cháu. Nhưng bố mẹ chỉ luôn nhìn vào kết quả cháu đạt được mà không biết bản thân cháu phải khó khăn như thế nào khiến cháu càng chán nản nhiều hơn. Sự cô đơn, cảm giác muốn ở một mình để được an toàn, được bình yên càng khiến cháu tách bạch với cuộc sống và là nguyên nhân đẩy cháu đến với những suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn.
Từ những thay đổi tiêu cực trong thói quen, đời sống tâm sinh lý của bản thân mình, cháu bắt đầu nghĩ đến cái chết, muốn nhìn thấy máu. Điều này cho thấy cháu muốn từ bỏ, muốn được giải thoát khỏi những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống của mình. Con người ai cũng vậy khi gặp phải những vấn đề căng thẳng trong cuộc sống sẽ có cơ chế tự bảo vệ chính mình. Mỗi người tìm đến những cách thức khác nhau để giải tỏa những áp lực, căng thẳng đó. Có người sẽ tìm đến âm nhạc, thể thao hay có người tìm gặp bạn bè, người thân để chia sẻ, đi du lịch, hướng đến những hoạt động tích cực khác. Cũng có những người tìm đến những chất kích thích, những trò chơi điện tử hay suy nghĩ tiêu cực đến cái chết. Cuộc sống vốn là như vậy, đa dạng và nhiều màu sắc, có những chuyện vui thì cũng sẽ có những chuyện buồn. Bản thân mỗi người phải đối diện và vượt qua những khó khăn, thử thách đó nhưng cuộc sống luôn có điều mới mẻ, tốt đẹp chờ đợi mỗi người ở phía trước. Những điều đang tồn tại trong suy nghĩ của cháu là tiêu cực, cháu cần phải thay đổi và hướng chúng sang sự tích cực. Chỉ có như vậy cuộc sống của cháu mới có niềm vui, sự hứng khởi và tràn đầy năng lượng để tiếp tục vượt qua được khó khăn, thử thách. Cháu hãy ra ngoài nhiều hơn, tập trung vào việc rèn luyện sức khỏe của bản thân, thay đổi những thói quen hàng ngày để cải thiện tình trạng hiện tại. Cháu cũng cần nói mọi chuyện cháu đang gặp phải cho bố mẹ nghe, những người cháu tin cậy để có được sự chia sẻ, không nên đè nén, giấu kín trong lòng như vậy. Bên cạnh đó, việc học tập của cháu có sự sa sút, cháu nên xem lại nguyên nhân do đâu, những khó khăn ảnh hưởng đến điều đó và bắt đầu thay đồi, làm lại mọi chuyện của mình. Nếu cháu cảm thấy áp lực, căng thẳng về những gì bố mẹ kỳ vọng ở bản thân cháu, cháu cần nói cho bố mẹ nghe để mọi người hiểu cháu hơn, tránh tiếp tục tạo áp lực nữa.
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Việc cháu suy nghĩ đến cái chết, muốn nhìn thấy máu là điều vô cùng tai hại. Đó là cách cháu đang muốn được giải thoát, chạy trốn khỏi những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Cháu cần chấm dứt suy nghĩ đó và hướng bản thân mình đến những suy nghĩ tích cực hơn. Bản thân mỗi người ai cũng gặp phải những chuyện không như sợ chờ đợi của chính mình, nhưng rồi ai cũng phải vượt qua và cháu cũng vậy. Những khó khăn, thử thách là để kiểm chứng sự cố gắng của bản thân chứ không phải là nguyên nhân khiến mỗi người đầu hàng, chịu khuất phục. Đối với cháu cũng vậy, mọi khó khăn sẽ qua đi và niềm vui sẽ trở lại, cuộc sống của cháu như thế nào phụ thuộc vào suy nghĩ, lựa chọn và quyết định của cháu. Khi cháu mệt cháu hãy nghỉ ngơi, cháu căng thẳng, áp lực cháu hãy chia sẻ với mọi người. Cháu hãy cố gắng hết mình, trong sự phấn đấu của bản thân nhưng nếu như cháu cảm thấy mệt mỏi, chán nản, cháu phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điều đó. Khó khăn trong cuộc sống là lẽ thường tình, không ai phán xét ai, chê trách cả. Vì thế cháu hãy cứ mạnh mẽ nói ra mọi vấn đề của mình. Bố mẹ cháu cũng cần phải biết những vấn đề cháu đang gặp phải và thay đổi quan điểm của mình đối với con cái. Khi tâm lý của cháu thoải mái, những vấn đề trong cuộc sống, trong các mối quan hệ được cải thiện, cháu sẽ học tập tốt trở lại. Đừng vì những áp lực, căng thẳng trước mắt mà cháu đánh mất đi cuộc sống của mình. Mọi chuyện đều có hướng giải quyết của nó, chỉ có điều cháu có sẵn sàng chia sẻ và muốn thay đổi hay không mà thôi. Mong cháu sớm giải quyết được vấn đề của mình và vượt qua khó khăn, tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
Thân mến!
Bài viết liên quan: