0904030189

Khi một người trường thành

Khi một người trường thành

Tôi đã đọc được ở cuốn sách “Sống như ngày mai sẽ chết” của tác giả Phi Tuyết câu nói mà tôi cảm thấy rất đúng rằng: “Trưởng thành là quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan đến tuổi tác hay môi trường sống; cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài. Có người trưởng thành rất sớm, nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành”. Đúng thật, một người trưởng thành chẳng phải dựa vào việc họ bao nhiêu tuổi mà quan trọng là họ nhận thức ra sao; suy nghĩ và hành động như thế nào – Khi một người trưởng thành.



Mỗi người chúng ta đều phải trải qua những giai đoạn khác nhau của đời người. Thường, chu trình sống của một người sẽ phải trải qua một số các giai đoạn như: trẻ em, thiếu niên, thanh thiếu niên, thanh niên, trung niên, cao niên. Tuy nhiên, ranh giới giữa những giai đoạn này không hề rõ ràng, và cũng không giống nhau ở tất cả mọi người. Vậy, những người như thế nào thì được gọi là trưởng thành? Dưới đây là một số chia sẻ.

1. Có trách nhiệm

Với những người trẻ tuổi chúng ta có quyền được sai; bởi ta chưa từng trải, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa lường trước được mọi hậu quả có thể xảy ra trước mỗi hành động; và quan trọng hơn cả là ta còn có nhiều thời gian để sửa chữa lỗi lầm của mình.

Còn những người trưởng thành là những người biết nghĩ trước nghĩ sau nhiều hơn. Khi muốn làm một điều gì đó họ sẽ phải luôn cân nhắc nó sẽ mang lại điều gì cho mình, có ảnh hưởng đến ai không? Bởi mọi việc mình làm không đơn giản chỉ vì mình mà mình còn phải có trách nhiệm với công việc, gia đình, xã hội,…

2. Biết lắng nghe và suy nghĩ nhiều hơn

Khi còn trẻ, chúng ta thường nghĩ gì nói đấy: nếu ai không hiểu, chúng ta cố gắng nói cho họ hiểu; nếu ai nghĩ sai về chúng ta, ta phải ra sức giải thích cho bằng được; ta cũng cố chấp bảo vệ quan điểm của mình nhiều hơn nếu đối phương có ý kiến khác ta.

Thế nhưng, những người trưởng thành họ không có thời gian và cũng không dành nhiều thời gian quý giá của mình để làm những việc đó. Nếu những người khác không hiểu, ta biết rằng mỗi người đều có một cách nghĩ khác nhau; nếu người khác nghĩ sai về ta, ta sẽ hành động để họ hiểu ta bằng những gì ta đã làm chứ không phải như những gì họ nghe thấy; nếu có ai đó không đồng tình với quan điểm của ta, ta cũng lắng nghe họ nếu ta sai thì cố gắng sửa đổi, còn nếu ta không sai thì chắc cách nhìn nhận của họ khác cách nhìn nhận của ta, chẳng có lí do gì ta bắt họ nhìn nhận ở điểm chúng ta đang nhìn nhận cả.

khi một người trưởng thành

3. Ngày càng độc lập hơn trong cuộc sống

Những ngày còn trẻ, ta dựa dẫm vào người khác nhiều hơn, những người đó có thể là ông bà, bố mẹ, gia đình, bạn bè… Những lúc thất bại có thể ta trách móc; những lúc khó khăn ta kêu than; những lúc khó chịu ta bực dọc, cáu gắt.

Người trưởng thành không vậy, họ phải tự biết rằng, cuộc sống của mình nằm ở trong chính bàn tay mình. “Mỗi người không được lựa chọn bố mẹ để sinh ra, nhưng họ có quyền quyết định mình sẽ sống như thế nào”. Họ biết rằng chẳng ai có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của ai cả. Chính vì vậy, những người trưởng thành họ không đổ lỗi, bớt than vãn, biết nhận lỗi và gánh trách nhiệm nhiều hơn.

4. Biết cách chấp nhận những lỗi lầm, thất bại

Những người trưởng thành rồi họ sẽ không còn quá hiếu thắng nữa. Hơn ai hết, những người đã từng bước qua sóng gió, thử thách, họ biết rằng thành bại là chuyện bình thường ở đời. Cuộc sống là một hành trình, hành trình đó không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ để ta bước, mà sẽ có lúc ta vấp ngã, thất bại. Người ta thấm thía câu nói “thất bại là mẹ của thành công”, bởi vì sau đó ta sẽ học hỏi được nhiều hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn và biết trân quý hơn những thành công khi ta phải nỗ lực rất nhiều mới có được nó. Chính vì vậy, họ chấp nhận thất bại giống như là một phần trong cuộc sống của mình, đối diện với nó một cách bình thản hơn và lấy nó làm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa.

5. Quan tâm đến việc của mình hơn là để ý người khác nói gì

Có những người, khi làm bất cứ một việc gì cũng đều cảm thấy e ngại dù nó có tốt hay không tốt với bản thân mình. Họ luôn lo sợ rằng người này sẽ nhòm ngó; người kia sẽ phán xét, đánh giá; thế rồi họ cứ sợ mà chẳng dám làm bất cứ điều gì.

Khi trưởng thành rồi họ sẽ hiểu là mỗi người có một cách nghĩ, mỗi người có một cách nhìn nhận. Cùng một vấn đề đấy thôi, thế nhưng có người nhìn nhận góc độ này thì thấy thế này là đúng, nhìn nhận ở góc độ khác thì thấy thế kia là đúng. Bởi thế, những việc mình làm, chắc chắn sẽ có người đồng tình, ủng hộ; cũng sẽ có không ít người không hài lòng, phản đối. Mình chẳng thể nào làm vừa lòng được hết tất cả mọi người. Quan trọng nhất là bạn thấy thế nào, thấy điều mình làm có đúng không? có mang lại cho mình sự thoải mái, vui vẻ và bình yên không?

Tôi đã đọc được ở cuốn sách “Sống như ngày mai sẽ chết” của tác giả Phi Tuyết câu nói mà tôi cảm thấy rất đúng rằng: “Trưởng thành là quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan đến tuổi tác hay môi trường sống; cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài. Có người trưởng thành rất sớm, nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành”. Đúng thật, một người trưởng thành chẳng phải dựa vào việc họ bao nhiêu tuổi mà quan trọng là họ nhận thức ra sao; suy nghĩ và hành động như thế nào?

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 17-11-2022 bởi tuvanannam

Cùng chuyên mục


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com