Mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình
Tôi và chồng cưới nhau đã 3 năm, do sống ở quê nhiều bất cập nên anh chuyển lên Tây Bắc sống cùng tôi và gia đình nhà vợ. Hiện giờ chúng tôi gặp nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống mà tôi không biết gỡ từ đâu. Gia đình hai nhà ghét nhau, bố mẹ tôi luôn cho rằng anh vô dụng vì từ khi lên đây ở, bố mẹ tôi đã cho nhiều tiền xây nhà và làm ăn, vậy mà anh ấy chuyển đến 3 cửa hàng mà vẫn không làm ăn gì được, hiện giờ hai vợ chồng phải làm thuê cho quán bia của bố mẹ vợ. Đứa em của anh lên đây sống cùng chúng tôi thì lười biếng, lêu lổng.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình
- Cách xây dựng gia đình hạnh phúc
Thân chủ:
Chồng tôi làm lụng được bao nhiêu tiền đều đưa hết cho vợ, nhưng có điều tháng nào anh ấy cũng đòi đưa về cho bố mẹ anh ấy một khoản tiền để trả nợ trong khi bố mẹ tôi giúp đỡ nhiều như vậy mà anh ấy chẳng báo đáp. Mỗi lần từ quê lên anh chẳng thèm mang theo quà cáp gì, dù đúng là bố mẹ tôi không đòi nhưng anh ấy cũng chẳng nể mặt mà cứ thế đi người không. Bây giờ chúng tôi cũng chẳng dư dả gì.
Tôi cũng biết chồng tôi ở đây không có nhiều bạn bè như ở quê anh ấy, mỗi lần gọi điện về quê trông anh ấy vui lắm. Khi nào ở nhà có đám, anh không về được tôi cũng thương. Nhưng tôi không thể chịu được cách sống ở quê anh. Bố mẹ tôi ở đây chuyện gì cũng sòng phẳng, nếu ông bà nhờ tôi mua gì thì sẽ đưa hẳn tiền để mua, rồi thỉnh thoảng còn cho thêm tiền, mặc dù ông bà khó tính trong sinh hoạt nhưng lại rõ ràng về tiền bạc. Trong khi đó ở nhà anh ấy, lúc bố mẹ anh ấy sai tôi đi mua gì thì tôi đều phải tự bỏ tiền túi của mình ra, rồi ông bà để mặc anh ấy thích làm gì thì làm, đến khi anh làm ăn không có lãi lời gì thì ông bà cũng chẳng cho thêm tiền. Khi anh ấy bệnh nặng nhập viện cũng là bên gia đình tôi cho nhiều tiền hơn. Đứa em trai của anh ấy sinh năm 99 nhưng chẳng học hành gì suốt ngày đòi mua này mua kia, lêu lổng rồi xin tiền của tôi. Nó lên đây cũng đi làm thuê cho nhà tôi có lương, nhưng chồng tôi nói nó đút lợn để về đưa cho mẹ, còn tiền ăn ở của nó cho đến mấy chục nghìn đi chơi cũng đều xin từ chúng tôi. Nó hay nghỉ việc đi chơi, mà mỗi khi đi thì nó chỉ xin mấy chục chẳng nhẽ tôi lại không cho. Tôi nói vợ chồng tôi thì anh ấy chỉ im được lúc đầu rồi về sau lại tự ái nói rằng có mấy đồng mà cũng so đo, rồi lôi chuyện bố mẹ tôi hay chê anh bất tài và bảo rằng anh đã chịu đến ở đây rồi tôi còn muốn gì.
Chúng tôi cãi nhau rất nhiều về việc này. Tôi chỉ muốn anh ấy được thoải mái hơn vì hiện giờ hầu như anh ấy mặt nặng mày nhẹ với nhà tôi. Tôi có nên chuyển nhà về quê anh ấy không? Mong chuyên gia cho tôi biết tôi cần làm gì.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thư đến chuyên mục Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình của Tư vấn An Nam. Những băn khoăn của bạn được chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ như sau:
Qua những gì bạn chia sẻ thì dường như việc không giải quyết được những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình khiến bạn cảm thấy bế tắc. Đối với những người luôn khao khát một mái ấm bình yên, hoà thuận thì nỗi khổ tâm của bạn là điều hoàn toàn hợp tình hợp lý. Tôi hiểu rằng với những lo lắng trăn trở mà bạn đang trải nghiệm thì hẳn bạn vô cùng trân trọng cuộc sống hôn nhân của mình. Để tôi tóm tắt lại câu chuyện của bạn: Bạn và chồng sau khi cưới nhau đã sống ở quê chồng, sau đó vì khó khăn lại chuyển về quê của bạn để sinh sống làm ăn. Vì việc làm ăn không thuận lợi nên bố mẹ bạn thường chỉ trích chồng bạn khiến anh ấy tự ái. Em chồng bạn đến sống chung lại không đỡ đần thêm được gì. Bạn nhận thấy hai nhà có nhiều bất đồng trong phong cách sống nên bạn không muốn về quê chồng. Trong khi đó, chồng bạn đồng ý về quê bạn ở nhưng anh ấy lại không vui vẻ và dường như điều này khiến không khí gia đình của bạn không được hoà thuận, hạnh phúc. Sau đây chúng ta sẽ cùng thảo luận về những trăn trở của bạn:
Trong bất kỳ bối cảnh nào, khi mọi người sống cùng nhau thì chúng ta đều cần đến sự thấu hiểu và nhường nhịn, chỉ có như vậy mới duy trì được mối quan hệ tương giao giữa người với người. Trong gia đình, mỗi người đều cần thay đổi một chút, có thể là giảm bớt hành vi này hoặc cải thiện hành vi kia, để có thể cùng nhau xây dựng gia đình chung. Qua những điều bạn kể, tôi nhận thấy có sự khác biệt lớn trong lối sống, lối suy nghĩ của hai nhà. Một bên gia đình nhà bạn có cách hành xử rõ ràng, thực tế, thể hiện trong việc bạn và bố mẹ muốn sòng phẳng trong tiền bạc, mặc dù bố mẹ bạn cho hai vợ chồng một khoản tiền lớn để làm ăn nhưng vẫn yêu cầu hai người phải lao động việc nào ra việc đó. Một bên gia đình nhà chồng bạn dường như có phong cách xuề xoà trong tiền nong, thoải mái để các con cháu tự do làm lụng, để con cái tự chịu trách nhiệm. Nhìn từ những góc độ khác nhau thì mỗi phong cách sống đều có cái ưu điểm và khuyết điểm của riêng nó, nhưng để dung hoà hai lối sống sao cho tất cả mọi người đều hài lòng thì chắc hẳn không phải điều dễ dàng. Tôi hiểu và chia sẻ cho nỗi lòng của bạn khi chưa thể tìm ra cách thức hợp lý để kéo gần lại khoảng cách khác biệt này.
Để có thể hiểu rõ hơn vấn đề của bạn, tôi mong bạn có thể trả lời một số câu hỏi sau. Những câu hỏi này cũng là một cách để bạn tự xem xét kĩ lưỡng lại vấn đề của mình, từ đó tìm ra hướng đi thích hợp nhất. Trong thư bạn có kể về việc hai người từng sống ở quê của chồng bạn, vậy không biết điều “bất cập” khiến cho hai người phải chuyển lên Tây Bắc sống là gì? Nếu những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình vẫn xoay quanh vấn đề khác biệt trong phong cách sống vậy thì dù có chuyển đi nơi nào đi chăng nữa, những mâu thuẫn này có thể sẽ chẳng mất đi nếu bạn chưa tìm ra cách để đối phó với chúng. Lối sống khác biệt của hai nhà hẳn đã biểu lộ rõ ràng từ khi hai người quen nhau do chúng đã ngấm sâu vào cách suy nghĩ, cử chỉ, hành vi của mỗi người, vậy tôi tò mò không biết từ trước đến nay hai bạn đã sống chung với nhau như thế nào? Như tôi đã nói ở trên, hai người dù có khác biệt đến mấy nhưng khi sống chung đều phải tìm cách nhường nhịn lẫn nhau. Trong khi bạn kể rằng chồng bạn đã chịu về quê vợ để sinh sống, một điều mà không nhiều người đàn ông chấp nhận, thì bản thân bạn đã hi sinh điều gì cho cuộc hôn nhân này? Trong trường hợp chồng bạn cảm thấy lạc lõng, bạn đã nói chuyện như thế nào với anh ấy? Rất có thể việc chồng bạn cáu gắt những khi bạn góp ý là do anh ấy cảm thấy thiệt thòi khi bạn thì được bố mẹ nâng niu còn anh ấy thì bị coi thường, lạnh nhạt.
Về ý định chuyển nơi sinh sống, bạn nói nhiều đến việc cuộc sống ở Tây Bắc quê bạn có lợi ra sao, nhưng liệu chồng bạn có cảm thấy giống như vậy không? Rõ ràng bạn nhận thấy chồng mình đã chịu đựng nhiều sự thất vọng và buồn bực trong cuộc sống: sống gần nhà vợ, nhiều lần thất bại trong làm ăn, bị bố mẹ vợ coi thường, xa quê xa bạn bè, gánh nặng kinh tế, em trai. Vậy thì những khi này bạn đã làm gì để xoa dịu những cảm giác tiêu cực của chồng bạn? Khi đọc những dòng thư của bạn, tôi nhận thấy bạn có nhiều trăn trở và mong muốn nhưng bạn không biến chúng thành hành động. Bạn nói bạn muốn chồng được vui vẻ, vậy không biết bạn đã hỏi chồng xem bạn có thể làm điều gì để khiến anh ấy vui vẻ hơn? Bạn thấy không thoải mái về chuyện em trai chồng, vậy bạn đã nói chuyện như thế nào với cậu ta về những kì vọng của mình?
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Có lẽ việc kéo gần lại khoảng cách giữa hai vợ chồng nói riêng cũng như hai gia đình nói chung là một việc không hề dễ dàng, nhất là khi cách suy nghĩ của hai nhà đã quá khác biệt. Mặc dù thế, bạn hãy nhớ rằng hẳn là hai người phải có những điểm chung nào đó hay bởi có đặc điểm gì đó khiến hai người thấy bị thu hút rồi quen nhau, yêu nhau và xác định ở bên nhau trọn đời. Những ưu điểm của chồng như hiếu thảo, chịu nhường nhịn, không nản chí hay không tiêu tiền hoang phí mà luôn đưa tiền cho vợ sẽ là những điểm sáng trong mối quan hệ vợ chồng, những mơ ước về một mái ấm hạnh phúc sẽ là động lực để bạn kiên trì trong quá trình hàn gắn gia đình của mình. Sau đây chúng ta hãy cùng xem xét một số cách thức mà bạn có thể lựa chọn để đối mặt với vấn đề của mình.
Một số người trong hoàn cảnh của bạn có thể chọn cách chuyển sang nơi khác để sinh sống làm ăn với hi vọng rằng môi trường sống mới cùng những điều bất ngờ sẽ giúp hoá giải những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Tuy vậy cách thức này giống như trò chơi may rủi, bởi hai vợ chồng bạn chưa lường hết được những gì sẽ xảy ra. Có khả năng chồng bạn sẽ không còn cảm giác thiệt thòi khi ở quê vợ, và bớt thái độ cáu gắt và buồn bực do bấy giờ hai người đều phải sống trong cảnh lạ lẫm như nhau. Cũng có thể những lo toan trong cuộc sống mới sẽ khiến hai người càng lúc càng mệt mỏi và xung đột với nhau. Cho dù hai vợ chồng chuyển đi đâu thì việc nhận thức rõ ràng cũng như dung hòa hai lối sống khác biệt vẫn là điều cấp thiết phải làm.
Bên cạnh đó, có nhiều người lại tìm cách trì hoãn việc chuyển nơi ở. Trong thời gian trì hoãn đó, không chỉ hai vợ chồng mà cả gia đình sẽ tìm cách xoa dịu những bức bối và xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Nếu sau một khoảng thời gian nhất định, có thể là vài tháng đến cả năm, mà bầu không khí gia đình vẫn chưa tốt lên thì khi đó họ sẽ nghĩ đến phương án chuyển nơi sinh sống. Trong khi bàn bạc với chồng và gia đình, hai người cũng có thể tìm ra cách cải thiện bầu không khí sao cho tất cả đều vui vẻ thoải mái, bắt đầu bằng việc người phụ nữ nói chuyện với chồng về những điều mà cô ta có thể làm để chồng thoải mái hơn.
Một điều khác cần lưu ý đó là những mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh dưới sự tác động của cả những thành viên khác, vậy nên có lẽ bạn cũng cần nói chuyện với bố mẹ và cả em trai chồng để tìm ra cách sống chung hợp lý. Ngoài những khi xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình thì có khi nào bạn nhận ra rằng chồng mình cũng đem lại cho bạn cảm giác nhẹ nhõm, hạnh phúc? Bạn thường làm gì để tạo ra cũng như duy trì những tình huống êm đẹp như vậy? Có thể là khi hai vợ chồng đi làm về mệt mỏi thì cùng đi dạo cho thư giãn và bớt căng thẳng, hay thỉnh thoảng cùng chồng đi mua một món quà nhỏ hay tự làm đồ vật gì đó cho bố mẹ vui lòng, hoặc cũng có thể là chủ động tụ họp gia đình, đỡ đần việc nhà vào những ngày nghỉ. Điều quan trọng hơn cả là giúp tất cả các thành viên trong gia đình hiểu nhau, ví dụ như thay vì im lặng chờ đợi chồng hiểu ý mà mua quà bánh thì bạn có thể nhắc nhở chồng thường xuyên mua đồ gì đó dù nhỏ dù lớn để hai bên đều vui.
Về phía bố mẹ, tôi hiểu là bạn không thể tránh khỏi thiên vị người nuôi nấng mình từ nhỏ đến lớn, bản thân bạn cũng ủng hộ lối suy nghĩ sòng phẳng, chi li của ông bà và luôn tâm niệm báo đáp ông bà. Việc này cũng giống với cách mà chồng bạn thường xuyên đưa tiền về quê cho bố mẹ anh ấy vậy. Những người con hiếu thảo sẽ luôn có hành động như vậy. Dù thế, bạn cũng cần cân nhắc rằng có lẽ bố mẹ bạn cũng không hề muốn gây ảnh hưởng xấu lên đời sống gia đình của hai vợ chồng. Khi chồng bạn sống ở gần nhà vợ, lại làm thuê cho bố mẹ vợ thì tất nhiên anh ấy khó có thể cãi lại những khi bố mẹ vợ khó tính, vậy thì bạn nghĩ sao nếu trong tình huống đó thì chính bạn mới là người cần lên tiếng để bảo vệ tôn nghiêm của chồng? Sẽ có những lúc chúng ta nhầm tưởng rằng người đàn ông là phái mạnh và họ đương nhiên không cần sự che chở. Nhưng vợ chồng sống cùng nhau cả đời sẽ không tránh khỏi những lúc một người thấy mệt mỏi, những khi đó thì người còn lại sẽ phải trở thành chỗ dựa cho người kia. Có khả năng sự lên tiếng của bạn chẳng khiến bố mẹ thay đổi mà còn làm họ tức giận nhiều hơn, nhưng điều đó phần nào biểu lộ sự ủng hộ của bạn với chồng mình.
Đứng trước sự chỉ trích của bố mẹ, nhiều người vợ chỉ im lặng đứng giữa nhìn bố mẹ nói lời không hay về chồng, có những người vợ cãi lại bố mẹ một cách gay gắt để bảo vệ chồng mình, cũng có những người vợ tìm cách lý giải và phân tích điểm tốt điểm xấu của chồng để bố mẹ có cách làm công tâm hơn, có người vợ khác thì lại phớt lờ mọi lời ngọt nhạt của bố mẹ cho đến khi họ chịu điều chỉnh cách cư xử. Theo bạn thì đâu có thể là cách thức tốt nhất mà bạn có thể làm? Chắc chắn sẽ không có cách nào hoàn hảo, nhưng chỉ có bạn mới hiểu rõ hoàn cảnh của mình nhất, vậy nên chỉ có bạn mới biết cách nào giúp bạn “vẹn cả đôi đường”, vừa làm bố mẹ thông cảm cho hai vợ chồng và bớt kĩ tính, vừa làm chồng bạn thấy được sự sẵn lòng san sẻ của bạn, để anh ấy bớt cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình của mình. Mặc dù bố mẹ là người hỗ trợ về mặt kinh tế cho bạn và chồng, nhưng như bạn kể thì họ cũng là người sòng phẳng, vì thế bạn nghĩ thế nào về việc bạn đặt ra ranh giới rõ ràng giữa việc kinh doanh làm ăn và sinh hoạt thường ngày? Ranh giới này sẽ giúp họ ý thức được quyền hạn của mình trong việc can thiệp vào đời sống vợ chồng của hai người. Bớt một câu nói, bớt một ánh nhìn, bớt một mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Nếu hai bên đều không thoải mái khi nói chuyện, thì chỉ có cách là mỗi bên nhường nhịn nhau một chút, khi cần bàn chuyện thì chỉ nói trong phạm vi câu chuyện đó chứ không lôi những nỗi bực dọc khác vào khiến không khí thêm tồi tệ. Có nhiều gia đình phải đặt ra luật lệ rằng mỗi khi có người nói sang chuyện khác để chống chế khi đuối lý, hoặc để tâm trạng từ việc này ảnh hưởng sang việc kia thì sẽ bị phạt tiền hoặc phải làm việc nhà như rửa bát, giặt quần áo,… Cách làm này có thể hơi trẻ con nhưng nó hiệu quả trong việc kịp thời chấm dứt những cuộc cãi vã không hồi kết và giúp những thành viên ý thức được những điều mà họ nói có thể gây tổn thương cho người khác như thế nào. Tất nhiên luật lệ này cần đến sự cam kết của cả gia đình, do đó có lẽ bạn sẽ cần nói chuyện với tất cả các thành viên để nâng cao ý thức giữ gìn bầu không khí và tránh việc làm tăng thêm mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình.
Mỗi gia đình lại có những cách giao tiếp, có những truyền thống, cách thức ứng xử khác nhau. Trong khuôn khổ bức thư này tôi chỉ có thể cùng chia sẻ với bạn những điều như trên. Tuỳ vào những hiểu biết của bạn về gia đình đôi bên cũng như quan sát của bạn về chồng mình, tôi mong rằng bạn có thể tự tìm ra những cách thức phù hợp nhất để hoá giải những mâu thuẫn trong gia đình cũng như cải thiện bầu không khí gia đình hoà thuận hơn. Chúc bạn luôn sáng suốt và bình tĩnh để đưa ra quyết định của mình!
Thân chào bạn!
Bài viết liên quan: