0904030189

Một số hình thức bạo lực đối với nữ do chồng gây ra

Một số hình thức bạo lực đối với nữ do chồng gây ra

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số hình thức bạo lực đối với nữ do chồng gây ra dựa trên “Kết quả từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam” (2010)



Bạo lực gia đình là một vấn đề không còn xa lạ gì đối với mỗi chúng ta, nếu không muốn nói đó là một vấn đề nhức nhối trong xã hội đang được toàn xã hội quan tâm giải quyết. Nó được quan tâm không chỉ bởi tình trạng bạo lực đang diễn ra ngày càng nhiều; mà còn bởi hậu quả của hiện tượng này để lại rất nặng nề đối với người gây bạo lực, người là nạn nhân của bạo lực và toàn xã hội. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số hình thức bạo lực đối với nữ do chồng gây ra dựa trên “Kết quả từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam” (2010)

1. Bạo lực thể xác

Theo nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ bạo lực thể xác liên quan đến khá nhiều yếu tố như: khu vực sống, độ tuổi, trình độ học vấn… Cụ thể, Tỷ lệ bị bạo lực trong đời do chồng gây ra đối với phụ nữ Việt Nam ở nông thôn cao hơn so với thành thị (32,6% so với 28,7%); tỷ lệ bị bạo lực thể xác hiện tại cao nhất ở độ tuổi trẻ nhất (12,2%) và giảm dần theo tuổi và điều này cho thấy rằng bạo lực thể xác xảy ra sớm và có thể giảm dần sau nhiều năm; Tỷ lệ bạo lực thể xác trong đời ở những phụ nữ có trình độ học vấn thấp (chưa học hết lớp 1, tiểu học và trung học cơ sở) chiếm khoảng hơn 30% (lần lượt là 31,2%, 36,9% và 33,9%), cao hơn so với tỷ lệ này ở những phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn như trung học phổ thông hoặc cao hơn, mặc dù vẫn còn ở mức cao khoảng 20% (21,6% và 17,7%).

Một số hình thức bạo lực về thể xác như: bị tát hay ném đồ vật gì đó; xô, đẩy (xếp vào nhóm bị bạo lực ở mức độ nhẹ); và những hình thức như: đấm, đá, kéo lê hoặc đe dọa bằng vũ khí (xếp vào nhóm bị bạo lực ở mức độ nghiêm trọng).

2. Bạo lực tình dục

Có ba loại hành vi bạo lực tình dục khác nhau được xác định trong nghiên cứu này gồm: bị dùng sức mạnh thể lực để ép quan hệ tình dục ngoài ý muốn; phải quan hệ tình dục vì sợ rằng có điều xấu xảy ra; và bị ép làm những việc có liên quan tới tình dục mà người vợ cảm thấy bị nhục nhã hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bạo lực tình dục xảy ra khá nhiều nhưng người trong cuộc ít chia sẻ. Nhất là trong xã hội Việt Nam, người ta cho rằng đó là những việc tế nhị, nhạy cảm, người phụ nữ thường cảm thấy xấu hổ và không muốn cho người khác biết; mà đôi khi họ nghĩ rằng đó chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi đã là vợ chồng với nhau.

 

HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189

3. Bạo lực tinh thần

Bạo lực tinh thần không kém phần nghiêm trọng so với bạo lực tình dục hay thể xác và phụ nữ thường cho biết rằng ảnh hưởng của bạo lực tinh thần nặng nề hơn so với bạo lực tình dục hay thể xác.

Một số hành vi bạo lực tinh thần được xác định như: bị sỉ nhục, lăng mạ hoặc làm cho cảm thấy tồi tệ, coi thường hoặc làm bẽ mặt trước mặt những người khác; bị đe dọa hoặc dọa nạt bằng bất cứ cách nào (ví dụ như quắc mắt, quát mắng hay đập phá đồ đạc); bị hăm dọa đánh đập hoặc đánh đập người yêu quý; dọa đuổi ra khỏi nhà vì bất cứ lý do gì…

4. Hành vi kiểm soát

Đó là hệ thống những hành vi kiểm soát của người chồng đối với người phụ nữ như: cố tình hạn chế người phụ nữ liên lạc với bạn bè, gia đình; luôn đòi hỏi biết được người phụ nữ đi đâu, làm gì, với ai; kiểm soát vợ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tức giận khi vợ nói chuyện với người đàn ông khác…

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiều người phụ nữ thường bào chữa và biện hộ cho “hành vi kiểm soát” của chồng bằng những suy nghĩ, nhận thức như “Đàn ông nào chẳng ghen tuông”, “Phụ nữ không nên tiếp xúc với người đàn ông khác”, “Người chồng có quyền kiểm soát vợ và vợ không được phép làm gì mà không hỏi ý kiến chồng”…

5. Bạo lực về kinh tế

Khảo sát nghiên cứu cũng thu thập những thông tin về việc liệu có chuyện người chồng đã bao giờ chiếm đoạt những khoản thu nhập và tiền tiết kiệm của vợ? và liệu có bao giờ anh ta từ chối đưa tiền cho vợ để trang trải các chi phí chung trong gia đình ngay cả khi anh ta có tiền để tiêu vào những mục đích khác? Nếu như người chồng làm ít nhất một trong hai việc kể trên với vợ của mình thì đó được coi là bạo lực kinh tế cho dù chúng tôi cũng đã thận trọng khi diễn giải những dữ liệu này bởi vì có thể có những dạng bạo lực kinh tế khác mà chúng tôi chưa xem xét trong phạm vi của khảo sát này.

Nghiên cứu định tính cho thấy có nhiều ví dụ về bạo lực kinh tế. Một hành vi phổ biến là người chồng không góp tiền để nuôi con cái và duy trì gia đình và thậm chí còn đòi vợ đưa tiền cho anh ta và nếu như trong trường hợp không có tiền để đưa, anh ta sẽ gây bạo lực thể xác. Những ông chồng này yêu cầu vợ ghi chép từng khoản chi tiêu, thậm chí là những khoản chi thường xuyên hàng ngày cho đồ ăn, thức uống và chửi vợ nếu những chi phí đó không rẻ như họ nghĩ. Cũng có những trường hợp người chồng kiểm soát tất cả các nguồn lực và cấm vợ không được tiếp cận những nguồn lực đó hoặc chồng bắt vợ phải làm việc quá sức. Nhiều người bị bạo lực bị ép phải làm việc quá sức. Họ phải hoàn thành công việc đồng áng hoặc đi làm thuê bên ngoài và cùng lúc họ phải hoàn thành tất cả việc nhà trong khi ông chồng giám sát vợ từng ly từng tí, cố tìm ra lý do để có cớ gây bạo lực tinh thần hoặc thể xác. Một vấn đề là bản thân phụ nữ và những người khác trong cộng đồng nghĩ rằng việc nhà là việc của người vợ cho nên thay vì phản đối việc phải lao động quá sức họ ra sức làm việc và chấp nhận bị bạo lực.

Trên đây chúng tôi chia sẻ về một số hình thức bạo lực đối với nữ do chồng gây ra, hy vọng rằng, nó sẽ có thể giúp bạn hiểu rõ quyền lợi của mình và tự cố gắng tìm cách để bảo vệ những quyền lợi đó.

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 17-11-2022 bởi tuvanannam

Bài liên quan


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com