Mâu thuẫn nhà chồng
Em kết hôn đến nay đã được 5 năm. Vợ chồng em là út nên ở chung cùng với bố mẹ. Từ ngày về làm dâu đến giờ, em luôn dùng tiền của mình để chi tiêu trong gia đình. Kế bên nhà là gia đình anh tư. Dù sống riêng một nhà nhưng chuyện ăn uống lại đa phần bên nhà em. Chị dâu hơn em đến 13 tuổi, nhưng chị luôn ỉ lại cho em làm công việc nhà chồng. Đôi ba lần còn chấp nhận được, nhưng đằng này đã 4 năm qua vợ chồng chị vẫn như vậy.
Em tâm sự với chồng thì anh lại gạt đi và bảo ráng chịu một thời gian nữa. Em đòi ra ở riêng anh cũng không cho. Là con út nhưng vợ chồng em và con em luôn bị chèn ép. Em cảm thấy rất tức giận và khó chịu khi cứ phải sống như thế này.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
- Những kiểu mẹ chồng khiến càng nàng dâu phải dở khóc dở cười
Tâm sự của bạn
Em lập gia đình được 5 năm. Em là dâu út, chồng em rất hiền và hiếu thảo, thương anh em (khi chưa cưới em chồng em đã đưa tiền sinh hoạt gia đình cho mẹ, khi em về vẫn vậy và em còn đi chợ bằng tiền em nữa. Vì em nghĩ đây là gia đình mình, mình gắn bó ở đây suốt đời. Nên em cũng không tính toán gì về tiền nong với mẹ). Em thì làm nghề dạy học, chồng em làm công nhân và hiện nay chồng em đang học cao học sắp ra trường. Gia đình em sống chung vách với nhà anh chồng thứ 4 (anh chồng làm hiệu trưởng, chị dâu làm trưởng trạm ở phường).
Lúc em mới về thì anh chị mới ra riêng và có 1 con gái 4 tuổi. Đôi khi mẹ cũng kêu qua bới cơm, múc canh về ăn, gạo thì hết qua nhà em lấy. Mẹ chồng em có nói khi em mới về (cưới chị dâu về để sau này bệnh có con dâu làm bác sĩ lo, với lại mẹ em đã nhận lời với anh tư là sẽ lo tiếp nếu anh chị có nghèo khổ. Vì mẹ không chịu anh tư về bên vợ ở).
Khi chị có bầu con thứ 2 trước sanh mấy tháng thì bên em đã nấu cơm cho cả nhà anh tư ăn. Chị có đưa tiền cho mẹ, lâu lâu cũng mua đồ ăn phụ nhưng chẳng mó tay vào việc gì, em vừa nấu cơm cho 2 gia đình vừa làm đồ ăn riêng cho con trai em và con gái của chị cho đến khi con trai chị 18 tháng. Ăn thì anh tư hoặc mẹ chồng em mang cơm và đồ ăn qua nhà chị cho chị ăn. Còn nếu không thì chị ăn mì, ăn bánh, đôi lúc anh tư về trễ thì điện thoại về mượn mẹ chồng em đem cơm qua cho chị ăn.
Trong thời gian đó mẹ chồng kêu em bưng cơm canh cho chị, em nhượng bộ 1 lần. Nhưng vài ngày sau mẹ kêu em bưng nữa em không bưng mẹ lại la em. Mọi chuyện xảy ra từ lúc ăn chung như thế em bất mãn và tâm sự với chồng thì chồng nói chia rẽ anh em…đôi khi em khóc với chồng.
Em và mẹ nhiều lần ngồi bộc bạch tâm sự. Mẹ thì muốn nấu cho anh chị ăn, còn em không muốn…..đôi khi mẹ kêu em ăn riêng, nói em ngu chị em hòa thuận không muốn, không biết chiều lòng nhịn nhục ai hết.
Đến giờ 2 đứa con gửi bán trú chiều mới rước về. Chị cũng ăn chung chạ như trước nhưng chẳng mó tay vào việc gì? (sáng mẹ luộc rau bưng qua, chiều mẹ nấu canh bưng qua, ngay cả lúc chị nghỉ ở nhà cũng vậy, chị chỉ gửi bó rau, trái bầu chưa nhặt rửa chứ không đưa tiền nữa). Có hơi mệt hay đau gì thì mẹ than với em.
Đến giờ chồng em đã biết: anh tự nói “mẹ chỉ biết ép mình, không dám nói anh tư hay mẹ sợ người ngoài buồn chứ không sợ đứa trong nhà buồn”. Giờ chồng em cũng đã hiểu em, thương em hơn. Khi em tâm sự anh cũng nhỏ nhẹ khuyên em.
Em biết mẹ rất thương con cháu cũng thương chồng em, con em. Nhưng bất cứ chuyện gì cũng xử ép vợ chồng em và cả con em, bất cứ chuyện gì cũng kêu con em nhịn đứa cháu lớn hay đứa cháu nhỏ. Nhưng con em mới 4 tuổi thôi mà, mẹ thường khen con em ngoan, biết nghe lời. Nhưng nó bị la ép nhiều nhất.
Nhưng giờ em cũng chịu không nỗi nữa. Em không vì thương chồng thì em đã ăn riêng cho rồi. Chồng em bảo “giờ mình không nói được gì hết” và em cũng nói với anh là “em thương anh nên đã chịu đựng 4 năm trời, giờ em chịu đưng thêm 1-2 năm nữa mà cứ chung chạ gì hoài có lẽ em ở riêng anh muốn ở với mẹ thì ở”. Thường em nói là em làm. Nhưng việc vì người khác mà vợ chồng em phải xa nhau em thấy không đáng.
Từ lúc cưới nhau tới giờ vợ chồng em chỉ cãi nhau về chuyện ăn chung chạ. Và em cũng khuyên chồng nếu không nói được thì mình ra riêng. Nhưng chồng em không chịu, cứ kêu em ráng đi. Đôi lúc em rất muốn nói ngay mặt chị dâu nhưng có nói cũng như không. Chị lớn hơn em 13 tuổi đời còn chuyện gì phải nói nữa, chị hiểu cách ở đời hơn em mà còn cư xử vậy. Nếu em nói đôi khi chuyện còn tệ hơn.
Trên đây là vài dòng tâm sự ngắn gọn nhất, chân thật nhất của em. Giờ em rất mệt mỏi và không biết phải làm sao? Mong chuyên gia tâm lý tư vấn cho em.
Chuyên gia tư vấn tâm lý:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã chia sẻ những tâm sự của mình tới chuyên mục Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư vấn An Nam. Băn khoăn của bạn chuyên gia tâm lý của chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Với những gì bạn chia sẻ, tôi rất cảm thông với những gì bạn đang phải chịu đựng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ông bà ta thường nói vậy là vô cùng chính xác và ngay ở trường hợp của bạn cũng như vậy.
Cảnh làm dâu thì cũng không ít người phải chịu nhiều thiệt thòi như bạn. Trải qua 4 năm chung sống như vậy chắc bạn cũng quen. Nhưng trong cái quen đó lại là khó chịu, bực dọc, tức giận. Tôi biết bạn đang cảm thấy như thế nào. Tuy nhiên anh chồng của bạn lại là người quá đỗi hiền lành, là người rất trân trọng tình cảm gia đình. Bạn là vợ, đôi khi nhẫn một chút vì chồng cũng không phải khó khăn đúng không.
Bạn nói cả vợ chồng và các con của mình đều chịu thiệt thòi, hay bị la mắng. Nhưng nó cũng có thể là do bạn đã có mặc cảm, ấn tượng không tốt với những anh chị chồng rồi nên nghĩ như vậy. Chứ vấn đề có đến mức như vậy hay không thì quả thật tôi chưa thể dám chắc.
HOTLINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7:0904030189
Quá nhiều lần mọi chuyện diễn ra như vậy nhưng bạn vẫn để mọi chuyện trôi qua như thế. Đứng trên phương diện khách quan mà nói, cái gì cũng có nguyên do của nó bạn à. Chính bạn cũng đưa ra việc vì không muốn anh chị sang ở nhà ngoại nên bố mẹ đã nói sẽ giúp đỡ anh chị khi còn khó khăn. Lời nói ra thì không thể rút lại được. Ông bà cũng có lúc khó xử nhưng vì con mình nên mới như vậy thôi. Hơn cả, bạn là một cô con dâu hiền, dâu thảo, lại ở cùng bố mẹ nên đôi chút ông bà cũng xuề xòa hơn khiến bạn phật ý.
Mỗi người một tính, một quan điểm và một cách sống khác nhau. Có thể với vợ chồng bạn luôn muốn gia đình hòa thuận, anh em đoàn kết nên luôn nhẫn nhịn mọi điều. Còn vợ chồng anh cả lại có cách sống ỉ lại thì sao? Chúng ta không thể đánh đồng cho họ về cách sống là như thế nào. Nhưng với việc làm của anh chị như vậy thì cũng làm vợ chồng bạn khó xử.
Trong suy nghĩ của mẹ chồng luôn nói sau này ốm đau còn có đứa làm bác sĩ nó chăm là như vậy đó. Chị làm trưởng trạm y tế, anh làm hiệu trưởng. Xét về kinh tế có thể là hơn hẳn vợ chồng bạn. Với bạn sẽ nghĩ là như thế, nhưng với những người khác hay vợ chồng anh chị tư lại nghĩ ở cùng nhà với bố mẹ là sẽ được bố mẹ đỡ đần nhiều thứ, về nhiều mặt. Từ nhiều nguyên nhân như vậy nên mới xảy ra vấn đề đó.
Đã có nhiều lần bạn rất bức xúc về việc làm của chị, về cách đối xử không công bằng với mẹ thì tại sao bạn không đề cập thẳng thắn ngay. Mẹ chồng nói bạn không biết nhường nhịn ai, thế nhưng hãy cho bà thấy hiện thực là như thế nào. Trong câu chuyện này tôi không thấy bạn nhắc đến bố chồng của mình, sao bạn không để bố chồng lên tiếng cho việc này. Nó sẽ giúp vợ chồng anh chị có cách cư xử khác, mà mọi người trong gia đình cũng không căng thẳng với nhau.
Còn về vấn đề ra ở riêng, điều đó là hoàn toàn có thể. Thế nhưng, bạn cần thuyết phục anh chồng của mình cùng lên tiếng. Dù sao bây giờ các bạn cũng là vợ chồng rồi; cũng có gia đình riêng và cần chăm sóc các con. Nếu cứ tình trạng này thì sớm muộn gia đình hai bên cũng có mâu thuẫn lớn hơn nữa. Tình cảm có thể chia sẻ chứ ai chia sẻ kinh tế với nhau. Bạn hãy dứt khoát để ông xã đưa ra chính kiến của mình bạn à.
Còn nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì bạn có thể dùng cách hạn chế việc dùng tiền của vợ chồng cho chi tiêu trong nhà. Nếu gần nhà ngoại thì vợ chồng và con bạn thi thoảng về nhà ngoại ăn cơm. Không ăn cơm thì không mua đồ, không nấu ăn. Bố mẹ chồng bạn cũng không thể trách cứ vợ chồng bạn được. Hơn nữa, hãy khéo léo trước mặt mẹ chồng để bà quý mình hơn nữa. Đôi khi có thể mua quà tặng bà, cư xử với bà như mẹ đẻ của mình vậy. Đến lúc lấy được lòng mẹ chồng rồi thì chuyện hai mẹ con thủ thỉ với nhau về vấn đề bạn đang vướng mắc cũng dễ dàng hơn.
Qua đôi dòng tâm sự cũng chưa thể chia sẻ hết với bạn được. Tuy nhiên, làm như thế nào là do bản thân bạn lựa chọn. Vì thế, tôi rất mong bạn có thể cân bằng được cuộc sống của mình một cách tốt nhất.
Bài viết liên quan: