0904030189

Phải làm gì khi con nghịch ngợm, không nghe lời người lớn? (tiếp)

Phải làm gì khi con nghịch ngợm, không nghe lời người lớn? (tiếp)

Tôi thực sự cảm thấy bất lực, không biết làm gì khi con nghịch ngợm, quấy phá. Mỗi ngày ở nhà vài tiếng với con, mà con dở chứng không biết bao nhiêu lần, mẹ đã khản tiếng để dỗ, con cũng không chịu nghe. Ba nói đánh thật đau để bé sợ lần sau chừa, nhưng điều đó tôi thấy không có hiệu quả gì cả…



Lời tâm sự

Cảm ơn tư vấn An Nam! Tôi cũng đã đưa ra những phần thưởng cho con, ví dụ: con ngoan nghe lời bố mẹ, không chạy nhảy, không xô bàn ghế, quẳng đồ chơi, tay chân khua múa vào chị (chị bé Bin hơn Bin 1 tuổi rất hay bị em trai quăng đồ chơi chạy nhảy xéo vào chị, chị thì lại hay khóc, đánh lại cậu em trai). Mẹ sẽ cộng điểm cho con, mỗi lần ngoan mẹ cộng 1 điểm, được 10 điểm là mẹ sẽ tặng con 1 món đồ chơi yêu thích hoặc mẹ sẽ đưa đi thú nhúng, đi siêu thị cuối tuần. Thấy con thích ăn cơm sườn nướng, tôi cũng ra điều kiện con đi học không khóc cuối tuần mẹ cho con đi ăn cơm sườn. Nhưng những điều kiện tôi đưa ra có lúc bé làm theo; nhưng số lần chịu làm theo chỉ là số ít. Lúc bé dở chứng lên; mẹ dỗ con ngoan, bao nhiêu lần, mẹ đã khản tiếng để dỗ, con cũng không chịu nghe. Ba nói đánh thật đau để bé sợ lần sau chừa, nhưng điều đó tôi thấy không có hiệu quả gì cả. Như đứa trẻ khác, mẹ quát hay đánh nói đi vào nhà, khi đánh bé sợ sẽ chạy vào nhà; nhưng bé nhà tôi: đánh bé, bé chỉ có khóc, nhưng vẫn không làm theo yêu cầu của người lớn. Có bé mẹ phạt đứng úp mặt vào tường, nhưng bé nhà tôi không thể nào đứng úp mặt vào tường cho. Tức là dù có đánh hay quát thì bé vẫn không làm theo yêu cầu người lớn. Tôi thấy bất lực quá Tư vấn An Nam ạ!

Chuyên gia tham vấn tâm lý:

Bạn thân mến! cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ những băn khoăn của mình với chuyên mục Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư Vấn An Nam.

Tôi hiểu và thông cảm được phần nào cảm giác bối rối, bất lực của bạn trước sự nghịch ngợm của con, và cũng tin chắc rằng đó không phải là cảm xúc của riêng bạn mà là cảm xúc chung của nhiều bậc phụ huynh khác có con ở độ tuổi lên 3. Dạy con từ trước đến nay vẫn luôn là một nhiệm vụ khó khăn nhất đối với các bậc làm cha, làm mẹ, bởi chẳng thể áp dụng một cách giáo dục giống nhau cho tất cả các đứa trẻ; và kết quả cũng không phải thấy được trong ngày một ngày hai. Trường hợp của bạn cũng vậy, con đang nghịch ngợm, không nghe lời; thì chẳng có cách nào “hô biến” con trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời bố mẹ ngay được.

 

Trong thư bạn có chia sẻ rằng bạn đã đưa ra rất nhiều hình thức thưởng phạt cho nhiều hành vi của con, từ việc chạy nhảy, xô bàn ghế, quảng đồ chơi, khua chân múa tay vào người chị… Mặc dù đã đưa ra nhiều “điều kiện” như vậy mà con vẫn không thay đổi hoặc thay đổi rất ít. Thực ra, ở con bạn có lẽ tồn tại nhiều điều mà bạn muốn con thay đổi, nhưng sự thay đổi nào cũng cần có thời gian, có quá trình bạn à. Người lớn cũng vậy, những cái gì đã thuộc về con người mình thì chẳng thể nào sửa hết tất cả mọi thứ cùng một lúc; mà chỉ có thể sửa đổi từng chút, từng chút một. Có chăng trong tình huống này, bạn thử tìm ra ở con một điều bạn cho rằng đó là thói quen xấu nhất của con và bắt đầu giúp con sửa đổi thói quen đó trước. Điều đó khiến con thấy được sự thay đổi của con trở nên nhẹ nhàng hơn, và sự kỳ vọng của mình về con cũng ít hơn. Sự thành công trong sự thay đổi ở mặt này sẽ là động lực để bạn tin tưởng con sẽ khắc phục được nhiều thói quen không tốt khác, và chính bản thân con cũng tin tưởng vào bản thân mình hơn.

Bạn cũng có nói dù bạn nhắc nhở, khuyên bảo con rất nhiều nhưng số lần con nghe lời, con sửa đổi lại không bao nhiêu. Thế nhưng, con có thay đổi dù ít hay nhiều thì vẫn sẽ tốt hơn không thay đổi đúng không bạn? Cũng như tôi đã nói ở trên, những cái gì gọi là thói quen, tính cách, muốn thay đổi thì cần phải có thời gian. Hôm nay con thay đổi một ít, ngày mai con chịu nghe lời một chút… rồi con sẽ hình thành cho mình một thói quen tốt hơn. Đến một khoảng thời gian nào đó nhìn lại bạn mới thấy được sự thay đổi, sự tiến bộ của con được.

Với mỗi một con người, kể cả con trẻ cũng thế, cũng đều sẽ có những điều con thích, có những điều con không thích. Bên cạnh tìm hiểu những điều con thích để làm phần thưởng cho con khi con làm tốt điều gì đó; bạn cũng nên để ý những điều con không thích để phạt con mỗi khi con phạm lỗi. Cách giáo dục con khó ở chỗ là mình chẳng thể nào áp dụng một cách giáo dục giống nhau cho tất cả mọi đứa trẻ. Có cách giáo dục cực kỳ tốt, cực kỳ hiệu quả cho trẻ này nhưng lại chẳng có ý nghĩa đối với trẻ khác. Bởi, mỗi trẻ là một cá thể tách biệt, có những nét cá tính, và tính cách khác biệt. Thế nên, những việc như đánh, mắng, bắt trẻ úp mặt vào tường mà không có hiệu quả thì bạn nên tìm những hình thức phạt khác. Chẳng hạn, con rất thích được ngủ với bố mẹ, nhưng vì hôm nay con không nghe lời nên con sẽ phải ngủ một mình; con thích chơi điện tử, nhưng vì con cứ xô bàn ghế nên hôm nay bố mẹ sẽ phạt con, không cho con chơi nữa; vì con không nhặt đồ chơi vào nên ngày mai bố mẹ không đưa con đi chơi… Bạn cũng cần lưu ý rằng, những điều mình đã quyết định là phạt con thì nên tìm mọi cách để con phải thực hiện hình phạt đó, hoặc con phải làm điều gì đó xứng đáng để chuộc lại lỗi lầm (hóa giải hình phạt) chứ không nên ra hình phạt rồi nhưng con không làm thì mình cũng chịu thua con. Điều đó lâu dần sẽ tạo thành thói quen và khiến con nghĩ rằng lời nói, hình phạt của bố mẹ không có ý nghĩa gì cả. Cùng với đó, nếu có phạt con thì bạn nên phạt con lúc đó hoặc ngay ngày hôm sau, đừng nên để lâu quá vì trẻ con nhanh quên, nếu bạn để lâu quá con sẽ cảm thấy ấm ức vì cho rằng mình không sai, hay lỗi đó đã lâu lắm rồi mà bố mẹ còn phạt.

Có một điều đặc biệt lưu ý đối với trẻ là nên khen thưởng đúng việc, đúng lúc trong thư chia sẻ của bạn có thưởng bằng cách tích điểm, nhưng đối với trẻ con cần được khuyến khích ngay tức thì sau hành vi tốt của con. Bởi vì đợi tới vài ngày sau nữa thì đối với con không còn ý nghĩa liên kết với hành vi tốt đẹp mà con đã làm được. Thưởng cần đi liền kề ngay sau hành vi tốt của con.

Cho đến lúc con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 này thì cần ở bố mẹ sự kiên trì, nhẫn nại; nó giống như “trường kỳ kháng chiến” cùng con vậy. Bước qua độ tuổi này con sẽ bớt ngang bướng hơn; nhưng điều đó không đồng nghĩa mình để con tự lớn; mà cần định hướng cho con lớn theo cách nào. Bởi, giai đoạn đầu đời chính là nền tảng hình thành nên nhân cách của con sau này, hãy cố gắng hỗ trợ con thật tốt để hướng cho con có một nhân cách thật lành mạnh. Chúc bạn thành công!

Thân ái,

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 16-11-2022 bởi tuvanannam

Bài liên quan


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com