Chồng nghi ngờ dù tôi vất vả vì gia đình
Chào bác sỹ! Tôi và chồng tôi hiện đang có một số hiểu lầm ngộ nhận về chuyện quan hệ sau sinh. Tôi đã sinh thường hai con trai đều bị dây rốn quấn cổ hai vòng sinh lâu. Chồng tôi đi làm xa một năm về một lần. Một mình tôi ở nhà chăm hai con để đợi chồng về. Ban ngày tôi đi làm tối về lại bù đầu vào chăm con. Tôi không có một chút thời gian nào để chăm sóc bản thân và ngủ nghỉ. Vậy mà chồng tôi về lại nghi ngờ tôi không chung thủy.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Là một người vợ khôn ngoan
- 30 cách chăm sóc bản thân hiệu quả khi bị quá tải
Lời tâm sự
Anh bảo tôi là tôi ở nhà quan hệ với người khác vì phần dưới của tôi rộng không khít. Tôi rất buồn mà ấm ức không còn lời nào để nói với chồng nữa. Dù tôi đã nói sinh 2 đứa làm sao bì với lúc chưa sinh vậy mà anh cứ khăng khăng là tôi theo trai. Và nghi ngờ rằng 2 đứa con không phải của anh ta. Tôi quá thất vọng và đau khổ khi chồng tôi lại là người ấu trĩ và bảo thủ khi luôn cho cảm giác và suy nghĩ của mình là đúng mặc cho tôi vất vả hi sinh vì chồng con. Đến bộ đồ cũng không dám mua để mặc. Thèm cũng không dám ăn. Tất cả dành cho chồng con. Tôi quá tuyệt vọng và bế tắc. Mong bác sỹ giúp tôi nếu không tôi có thể sẽ giải thoát bằng con đường ngắn nhất vì tôi rất trầm cảm.
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn Tổng đài tư vấn 19006172 là nơi để chia sẻ câu chuyện của mình. Qua những dòng tâm sự của bạn, tôi hiểu rằng những áp lực trong cuộc sống hiện tại cũng như lời buộc tội của chồng đem đến cho bạn nhiều cảm xúc lẫn lộn: ấm ức, thất vọng, đau khổ, bế tắc, tuyệt vọng. Bất cứ ai lâm vào hoàn cảnh như của bạn đều sẽ có những nỗi khổ tâm như bạn đang trải nghiệm. Mong rằng những chia sẻ của chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ giúp giải toả phần nào nỗi băn khoăn của bạn:
Trong câu chuyện cuộc đời của bạn, tôi nhận thấy rõ ràng sự tận tâm và hi sinh của bạn đối với các con. Trải qua sự đau đớn khi sinh khó hai lần, nỗi khổ này nối tiếp nỗi đau khác, bạn lại phải tiếp tục chăm con một mình, ban ngày đi làm rồi tối về vất vả chăm con. Bạn chia sẻ rằng mình vì hi sinh cho chồng con mà không có thời gian chăm sóc bản thân, cũng không dám ăn dám mặc. Những nỗ lực chịu khó chịu khổ chỉ để đổi lại sự hạnh phúc cho gia đình, vậy mà người chồng đi làm cả năm mới về một lần lại khăng khăng buộc tội bạn ngoại tình. Hẳn là bạn đang trải qua cảm giác hụt hẫng và uất ức khi bản thân vất vả vì gia đình chỉ để đổi lấy những nghi ngờ và tổn thương. Những người vợ luôn trân trọng và hết lòng vì chồng con khi lâm vào tình cảnh này đều sẽ có nỗi khổ tâm như bạn đang trải nghiệm.
Để có thể thấu hiểu hơn về tình cảnh của bạn, cũng như để giúp bạn tự xem xét lại những khía cạnh trong câu chuyện của mình, mong bạn có thể làm rõ một số thông tin. Đầu tiên, về phong cách sống của bạn, bạn kể nhiều về việc mình vất vả vì gia đình như thế nào, đi làm chăm con, rồi không thể dành chút thời gian hay tiền bạc nào cho bản thân, vậy tôi tò mò không biết điều gì đã khiến bạn phải đối xử với bản thân như vậy? Liệu rằng tình hình kinh tế quá khó khăn đến mức một bộ quần áo hay một bữa ăn ngon là quá xa xỉ, hay bạn muốn tiết kiệm tiền cho gia đình càng nhiều càng tốt, hay chồng bạn gây áp lực khiến bạn phải sống kham khổ, đó là do hoàn cảnh bắt buộc hay đơn giản đó là cách sống của bạn từ trước đến nay?
Bạn nói rằng chồng mình là người bảo thủ và ấu trĩ, vậy phải chăng ý bạn là anh ta luôn luôn cư xử với bạn bằng cách “chỉ có suy nghĩ của chồng mới đúng” và bỏ mặc cảm xúc cũng như nỗi lòng của bạn? Trong trường hợp chồng bạn khăng khăng nói rằng bạn đã không chung thuỷ và ngoại tình với người khác, bên cạnh việc phần dưới của bạn rộng hơn, thì theo bạn còn điều gì khác khiến anh ta một mực khẳng định như vậy?
Qua thư bạn, tôi nhận ra những nỗi đau của bạn không chỉ bắt nguồn từ sự kiện chồng bạn nghi ngờ sự chung thuỷ của bạn, mà sâu xa hơn, nó bắt đầu từ gánh nặng công việc và nội trợ thường ngày của bạn.
Những người phụ nữ tần tảo, chịu khó nhịn ăn nhịn mặc để dành chút tiền vun vén gia đình đều là những người có nghị lực đáng nể. Những người phụ nữ ấy biết hi sinh việc nhỏ để hướng tới mục tiêu lớn và không bị cám dỗ bởi những váy áo thướt tha, những món ngon hấp dẫn, những cuộc vui xả hơi mỗi cuối tuần. Những người phụ nữ ấy đa năng đến mức hoàn thành công việc ở chỗ làm vào ban ngày rồi lại bù đầu chăm con vào ban tối. Họ mạnh mẽ đến mức tự chống chọi với cuộc đời trong khi người đàn ông của họ chỉ về nhà mỗi năm một lần. Những người phụ nữ ấy, giống như bạn, cũng đang tự đối xử tệ với bản thân mình.
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Tôi hiểu rằng khi bản thân bị người mình thương yêu nghi ngờ tấm lòng của mình, bạn cảm thấy uất ức và tuyệt vọng vì không biết giải thích thế nào, không có ai để chia sẻ. Nhưng hơn thế nữa, những khổ sở và nhịn nhục bạn chịu đựng đã cắm rễ trong cuộc sống hàng ngày của bạn từ rất lâu rồi. Bản thân bạn hi sinh cho chồng con, vất vả vì gia đình hòng mong muốn một gia đình êm đẹp, muốn chồng đỡ vất vả mà an tâm làm ăn, muốn con no đủ nên người, nhưng bạn lại quên mất việc đối xử tử tế với chính mình. Bạn càng chịu đựng nhiều đau khổ, thì bạn lại càng đặt nhiều kì vọng vào chồng mình, để rồi khi vỡ mộng bạn cảm thấy không còn nơi nào để bám víu.
Để có thể đối mặt với chuyện này, bạn cần giữ cho mình một tâm thế vững vàng, trong đó bạn là người có vị trí ngang bằng với chồng bạn, bạn không những đi làm giống chồng bạn, mà bạn còn làm được hơn anh ta ở chỗ chăm lo việc nhà, nuôi nấng các con. Có thể bạn luôn giữ trong đầu một niềm tin rằng “tôi phải vất vả vì gia đình” hay “chồng tôi chắc chắn phải trân trọng tôi”, nhưng bạn biết đấy, những niềm tin này là nguyên nhân dẫn đến sự thất vọng tột cùng của bạn bây giờ, khi bạn cho đi niềm vui của bản thân chỉ để nhận lại những cay đắng. Những niềm tin này hình thành có thể là từ sự giáo dục của người lớn khi bạn còn nhỏ, những tác động từ người xung quanh cũng như môi trường bên ngoài, và hiện tại khi đã nhận định được chúng, bạn có thể lựa chọn thay đổi cách suy nghĩ để lòng nhẹ bớt những gánh nặng và chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng trước những nghi ngờ của chồng.
Thay vì nghĩ rằng một người vợ thì đương nhiên phải vất vả vì chồng con, bạn có thể tự nói với mình rằng “tôi không cần vất vả mà vẫn lo được cho gia đình”. Thực vậy, nhiều người phụ nữ không nhất thiết phải nhịn từng cái chi ly mà vẫn xoay sở tốt công việc trong gia đình, một chiếc váy mới hay một bữa ăn thịnh soạn mỗi dịp lễ tết dường như không phải điều gì quá đáng. Có những người có thể nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân trong gia đình đến trông con một vài hôm để nghỉ xả hơi, khi con bạn lớn một chút, có thể chính chúng cũng sẽ giúp đỡ bạn trong những việc nhỏ hoặc là chỗ dựa về tinh thần cho bạn.
Tương tự với suy nghĩ về chồng bạn, không phải người chồng cũng lý tưởng như kì vọng của chúng ta. Có thể mệt mỏi do áp lực công việc nên trút giận lên bạn, có thể do tính cách ấu trĩ bảo thủ từ trước đến giờ, hay do có người đồn thổi,… Có rất nhiều lý do khiến chồng bạn buông lời lẽ tổn thương trong khi bạn đã vất vả vì gia đình như vậy. Sẽ có lúc những cảm xúc xáo trộn trong lòng khiến anh ta không trân trọng bạn như khi hai người còn yêu, đó là điều mà ai trong chúng ta cũng cần đối mặt. Quan trọng là bạn trân trọng chính bản thân mình. Thực tế cho thấy rằng “Sẽ có lúc chồng không trân trọng tôi, nhưng tôi vẫn là một người có giá trị”, như thế thì chồng bạn có bảo thủ coi nhẹ lời nói của bạn hay khăng khăng bảo bạn làm điều mà bạn không làm, thì bạn vẫn hiểu rõ bản thân mình. Bạn biết rằng bản thân làm rất nhiều điều đáng quý, bạn không làm gì mờ ám và bạn hoàn toàn có tiếng nói trong một gia đình mà bạn đã bỏ nhiều tâm sức để vun vén. Khi bạn đã đóng góp xây dựng và duy trì mái ấm này thì bạn cũng có quyền chất vấn chồng bạn về lý do tại sao anh ta lại khẳng định những điều như vậy. Phải chăng đây chỉ là cái cớ mà chồng bạn đưa ra để che giấu những mục đích khác, hay là do có người đặt điều để chia rẽ, hay do hiểu nhầm, hoặc cũng có thể do cảm giác bất lực vì không thể giúp được bạn? Để làm sáng tỏ những điều này, có lẽ chính bạn phải quan sát biểu hiện bên ngoài của chồng cũng như nói chuyện thêm với chồng.
Mọi con người trên thế giới này đều quý giá và đáng trân trọng như nhau, vậy thì điều gì khiến bạn phân biệt đối xử giữa bản thân và những người còn lại trong gia đình? Việc mong đợi một lời khen ngợi, hay một ánh nhìn khích lệ từ những người thân yêu là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng dường như bạn đã quên mất rằng chính bản thân bạn cũng có thể tự cho mình một lời khen. Người khác có thể nghi ngờ bạn nhưng anh ta không thể phủ nhận những hi sinh của bạn cho gia đình, cho con cái. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của bạn, chính bạn hiểu rõ, chính bạn cũng có thể an ủi bản thân một câu “Mình đã làm rất tốt rồi”.
Mong rằng những chia sẻ của chúng tôi có thể phần nào giúp bạn tìm ra câu trả lời cho nỗi băn khoăn trong lòng. Chúc bạn luôn bình tĩnh và sáng suốt.
Thân chào bạn!
Bài viết liên quan: