Bố mẹ nên ứng xử thế nào với tình yêu thuở học sinh của con?
Ở tuổi này, sự cấm đoán không bao giờ là một lựa chọn tốt, nhất là vấn đề tình cảm. Bố mẹ nên trang bị cho con hiểu biết đúng đắn về tình yêu, những giới hạn về tình cảm trong độ tuổi này và cách xử lý đối với những tình huống không mong muốn xảy ra như: hiểu lầm, phản bội, giận dỗi… để con có thể đối mặt tốt nhất với tình yêu thuở học sinh này.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Tình yêu tuổi học trò dễ khiến cha mẹ lo lắng
- Nhận biết tình yêu đích thực
Lời chia sẻ
Tình yêu là một cảm xúc rất tự nhiên của con người, ai ai cũng đều có nhu cầu được gắn bó, yêu thương và nhận được sự gắn bó, yêu thương từ mọi người xung quanh. Tuổi học sinh là lứa tuổi mới chớm, đang trong độ tuổi dậy thì, việc xuất hiện những rung động, cảm giác muốn được quan tâm với người khác, được người khác quan tâm, chăm sóc là một điều hết sức tự nhiên. Thế nhưng, nhiều bố mẹ lại cảm thấy bối rối, lo lắng không biết nên ứng xử như thế nào với tình cảm ở tuổi này của con. Muốn không ảnh hưởng tiêu cực đến con thì bố mẹ cần làm gì khi biết tình cảm sự xuất hiện tình cảm ở tuổi này?
1. Cấm cản bằng mọi cách không phải lựa chọn tốt
Khi bước vào tuổi dậy thì, con có sự thay đổi rất lớn về ngoại hình, tính cách; cũng như sự kỳ vọng vào mọi người xung quanh. Con chưa hẳn là lớn để tự lo, tự quyết định mọi thứ; nhưng cũng không còn nhỏ để “cun cút” nghe theo tất cả mọi mệnh lệnh của bố mẹ đưa ra, xem nó là “chân lý” và làm mà không cần phân biệt đúng hay sai. Trẻ ở tuổi này luôn mong muốn sự tự do, muốn được bố mẹ tôn trọng mình, xem xét những điều mình nói giống như một người trưởng thành, cả về mặt tình cảm, tình yêu cũng thế.
Bố mẹ luôn cho rằng tình yêu ở lứa tuổi này chưa nên có vì nó là thứ tình cảm trẻ con, sẽ chẳng đi đến đâu, mà chỉ khiến con bị kìm hãm sự học của mình. Còn con cái thì luôn cho rằng mình đủ khả năng để điều chỉnh mọi thứ, và vẫn có thể học tập tốt. Cứ thế, mâu thuẫn xảy ra, cả hai bên đều mong muốn bảo vệ quan điểm của mình mà không đặt mình vào vị trí của bên kia để thấu hiểu. Con cái không thể hiểu rằng bố mẹ cấm đoán thế là chỉ muốn những điều tốt đẹp cho con; còn bố mẹ lại không thể hiểu rằng đã gọi là tình cảm không phải cứ muốn là tìm được và không muốn thì có thể vứt nó sang một bên.
Ở tuổi này, sự cấm đoán không bao giờ là một lựa chọn tốt, nhất là vấn đề tình cảm. Bố mẹ nên trang bị cho con hiểu biết đúng đắn về tình yêu, những giới hạn về tình cảm trong độ tuổi này và cách xử lý đối với những tình huống không mong muốn xảy ra như: hiểu lầm, phản bội, giận dỗi… để con có thể đối mặt tốt nhất với tình yêu thuở học sinh này.
2. Tìm hiểu về tình cảm và suy nghĩ của con
Có nhiều bố mẹ khi biết con yêu một bạn nào đó, thường lo lắng rằng con không tập trung được vào những nhiệm vụ của mình thế nên cấm luôn con, bắt con cắt đứt mối quan hệ với bạn đó mà không cần biết con suy nghĩ gì, con cảm thấy như thế nào. Kết quả đạt được là bố mẹ, con cái xảy ra mâu thuẫn; con học hành sa sút, không nghe lời bố mẹ.
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Ở lứa tuổi học trò, là lứa tuổi mong muốn được khẳng định bản thân, thế nên, đối với tất cả mọi vấn đề việc lắng nghe, bàn bạc, tôn trọng ý kiến và tình cảm, suy nghĩ của con sẽ mang đến nhiều kết quả tích cực hơn là việc bố mẹ áp đặt ý kiến, bắt con làm theo. Bạn nên nhớ rằng, ở tuổi này, nếu bạn càng bắt con làm những điều con không muốn mà không phân tích rõ tại sao con cần phải làm thì con sẽ càng ngang bướng, làm trái với những điều bạn mong chờ ở con.
3. Trang bị những kiến thức về tình yêu, tình dục cho con
Tuổi học trò, cảm xúc tình yêu thường rất mãnh liệt; nhưng các kiến thức về tình yêu, tình dục lại rất hạn chế. Nhất là ở một nước Á Đông như chúng ta, khi cả thầy cô và bố mẹ đều rất ngại khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến tình yêu, tình dục. Nhiều bố mẹ cho đến khi con có những sự thay đổi, thậm chí là xảy ra những điều không mong muốn trong mối quan hệ tình cảm mới bắt đầu hối hận vì đã không trang bị sớm cho con về những vấn đề này để con tự biết cách bảo vệ bản thân.
Như đã chia sẻ ở trên, tình yêu đến một cách vô cùng tự nhiên, ta chẳng biết được khi nào nó đến, lúc nào nó đi. Chỉ là, khi con bạn gặp đúng người con sẽ có cảm xúc, có sự rung động và rồi bước vào tình yêu lúc nào không hay biết. Thế nhưng, một khi đã thực sự rung động, thực sự yêu rồi thì dù con bạn có cố gắng để từ bỏ cũng rất khó có thể từ bỏ được. Tuy nhiên, để cho con tự vùng vẫy với những rung động đầu đời của tình yêu thuở học sinh như vậy cũng vô cùng nguy hiểm.
Tuy gọi chung là tình yêu đấy, nhưng tình yêu ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có sự khác nhau về giới hạn và mục đích. Tình yêu thuở học sinh là tình yêu có sự lắng nghe, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ nhau học tốt hơn, hoàn thiện hơn, trưởng thành hơn, sống tốt hơn… Còn mục tiêu quan trọng nhất vẫn là học tập, và dù có buồn, thất vọng hay mâu thuẫn thì vẫn phải biết cách cân bằng. Là bố mẹ, bạn hãy chủ động giúp con hiểu được những điều này.
4. Cam kết giữa bố mẹ và con cái
Khi con cảm thấy rằng, bố mẹ như những người bạn giàu kinh nghiệm, có thể lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng con, con sẽ thấy tin tưởng mà chia sẻ với bạn rất nhiều. Từ đó, bạn sẽ có cơ hội để giúp đỡ con vượt qua mọi khó khăn và định hướng cho con mình con đường đi đúng đắn.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nên “thỏa thuận” cùng nhau về việc tin tưởng và tôn trọng nhau. Bố mẹ không ngăn cấm, can thiệp quá sâu vào chuyện tình cảm của con; nhưng con cũng phải hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính của mình, không được để chuyện tình cảm ảnh hưởng, chi phối quá nhiều.
Cách ứng xử của bố mẹ về tình yêu thuở học sinh của con đòi hỏi sự khéo léo để không có ảnh hưởng tiêu cực đến con, mà bố mẹ cũng không phải lo lắng quá nhiều.
Bài viết liên quan: