Những điều nên lưu ý khi tức giận
Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, có một số điều bạn nên lưu ý khi tức giận. Bởi khi đó, bạn sẽ có thể điều hòa và kiểm soát cảm xúc của mình một cách hiệu quả hơn.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực
- Làm sao để kiểm soát cơn ghen?
Lời chia sẻ
Cuộc sống của chúng ta ai cũng thế thôi, sẽ có lúc mâu thuẫn, tức giận vì gặp những chuyện không vừa ý, những người không phù hợp. Khi đó, có người có thể kiểm soát được cơn nóng giận của mình, nhưng cũng có không ít người vì không kiểm soát được cảm xúc mà có những lời nói, hành vi để lại những hậu quả tiêu cực. Vậy, những điều bạn nên lưu ý khi tức giận là gì để tránh những điều không hay đối với bản thân bạn và người khác?
1. Cho cả hai khoảng thời gian im lặng
Khi nóng giận, hay có những điều không thoải mái, bạn nên cố gắng tìm mọi cách để cả hai có thể có một khoảng thời gian im lặng. Sự im lặng đó hoặc là cả hai bên đều đồng ý im lặng, hoặc là bạn chủ động đề nghị cần có khoảng thời gian đó để có thể bình tĩnh lại và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo.
Vậy, khoảng thời gian im lặng như thế nào là vừa đủ cho mỗi lần tức giận? Thực ra, tùy người, tùy vấn đề mà bạn sẽ có khoảng thời gian im lặng khác nhau: nếu bạn là người dễ bình tĩnh, dễ sắp xếp, nhìn nhận thấu đáo vấn đề thì khoảng thời gian đó sẽ ngắn lại; còn nếu bạn là người dễ nóng nảy, cần nhìn nhận vấn đề lâu hơn để đảm bảo mình hiểu kỹ và thấu đáo về mâu thuẫn đã xảy ra thì thời gian im lặng sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó là khoảng thời gian đủ để bạn kiểm soát được cảm xúc của mình, nhìn nhận vấn đề một cách toàn vẹn nhất và tìm được cho mình một hướng đi để xử lý phù hợp với những vấn đề đã xảy ra.
Khi nóng giận là lúc bạn dễ có những hành động theo cảm tính nhất, và cũng dễ sai lầm nhất vì lúc đó lý trí của bạn không còn kiểm soát được hành vi, lời nói của bạn nữa.
2. Không nên bận tâm bởi những chuyện không đáng
Cuộc sống này luôn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều mâu thuẫn khiến ta phải đau đầu suy nghĩ cách giải quyết. Chắc chắn bạn không mong rằng một ngày nào đó mình sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” bởi tất cả những vấn đề xảy ra xung quanh. Thế nên, chuyện nào bỏ qua được thì hãy bỏ qua, không phải khi nào cũng nhất thiết phải rõ ràng, phải trái, đúng sai mới là tốt. Có những tình huống, rõ ràng ta biết là ta sai rành rành rồi đấy; nhưng vì cái Tôi quá cao nên cứ khăng khăng đối đầu với họ đến cùng. Khi hai bên đều có cái tôi cao như nhau thì sẽ đẩy mâu thuẫn lên đến cực độ và khiến cho cả hai có những cảm xúc tiêu cực. Thế nên, nếu có thể nhún nhường được thì hãy cố gắng nhún nhường. Khi bạn chịu lùi một bước thì họ cũng sẽ dịu lại và tự nhận ra lỗi của mình. Nếu họ thực sự không biết nhận sai, cũng không muốn sửa đổi thì đó là tính cách của đối phương, bạn có tranh cãi đến cùng với họ thì họ cũng chẳng bao giờ nhìn ra lỗi lầm của mình.
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Bạn nên nhớ, đến cuối cùng của cuộc tranh cãi có thể bạn đúng hoặc sai; nhưng bạn đúng không đồng nghĩa với việc bạn là người thắng cuộc. Người thắng cuộc là người khiến cho cả hai bên thoải mái bằng lòng với kết quả; chứ không phải chỉ mình vui vì mình chiến thắng, còn đối phương buồn bã, tổn thương, hậm hực cũng không quan tâm.
3. Đừng có những phát ngôn thiếu suy nghĩ lên mạng xã hội
Có một thói quen của giới trẻ ngày nay rất đáng phải suy nghĩ đó là bất cứ điều gì cũng đăng lên mạng xã hội, kể cả yêu thương hay hờn giận, niềm vui hay nỗi buồn… Thực ra, nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là một cách giải tỏa cảm xúc vì mọi người sẽ vào an ủi bạn rồi mắng chửi người kia; Thế nhưng, đây lại chính là nguyên nhân khiến cho mọi chuyện bị đẩy đi quá xa, không kiểm soát nổi, vì lúc đó câu chuyện không còn chỉ liên quan đến hai người mà là câu chuyện liên quan đến rất nhiều người.
Trong khi đó, chỉ những người trong cuộc mới là những người biết rõ câu chuyện đó, và biết được mình cần gì, muốn gì, nên làm thế nào. Còn những người khác, một là không hiểu đúng vấn đề, hai là có những lời nói bảo vệ người này nhưng lại khiến người còn lại có những vết thương khó lành.
4. Hãy tự mình đưa ra quyết định cuối cùng
Lúc mâu thuẫn xảy ra, có thể bạn sẽ chia sẻ với rất nhiều người để được lắng nghe, thấu cảm và sẻ chia. Tuy nhiên, như đã chia sẻ ở trên, mỗi người với mỗi góc nhìn khác nhau sẽ có những suy nghĩ riêng, những cách giải quyết vấn đề khác nhau. Và quan trọng hơn hết là chẳng có ai có khả năng giải quyết mâu thuẫn của bạn giỏi hơn bạn cả.
Có thể mọi người bên ngoài có thể có cái nhìn khách quan hơn, thế nên bạn hãy xem những góp ý của người khác là thông tin tham khảo để bạn có thể nhìn nhận mọi việc một cách đa chiều và hiểu rõ sự việc theo nhiều góc nhìn khác nhau. Còn cuối cùng, người đưa ra quyết định về mối quan hệ và mâu thuẫn xuất hiện trong mối quan hệ đó vẫn chính là bạn, sau khi cân nhắc kỹ tất cả mọi thứ. Không ai có thể đưa ra quyết định thay bạn vì không ai có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn cả.
Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, có một số điều bạn nên lưu ý khi tức giận. Khi đó, bạn sẽ có thể điều hòa và kiểm soát cảm xúc của mình một cách hiệu quả hơn.
Bài viết liên quan: