Tôi phải làm sao để cứu con trai của mình
Vợ chồng tôi có 2 con, cháu trai đầu 16 tuổi đang học lớp 10. Hàng ngày, ngoài việc học, cháu phụ giúp bố mẹ nấu cơm, rửa bát, cuối tuần dọn dẹp nhà cửa. Trước đây, cháu ốm yếu do sinh non khi mới được hơn 7 tháng. Đến 5 tuổi bị viễn thị. Giai đoạn này vợ chồng tôi dành cả yêu thương cho cháu, không khi nào một tiếng quát mắng con. Năm con trai lên 7 tuổi, đã cứng cáp hơn, chúng tôi sinh cháu thứ hai, sự yêu thương dần san sẻ cho đứa em vốn dẻo mỏ, khéo nịnh. Dần dà, hễ nghe tiếng khóc của đứa em là y như rằng tội thuộc về đứa anh (ít nhất thì cũng “lớn rồi mà không biết nhịn nó một tý”).
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Vai trò thay đổi của người cha
- Vai trò của người mẹ trong giáo dục con cái
Lời tâm sự:
Không khí ngày càng căng thẳng khi đến lớp 8, con trai tôi học tập sa sút, trốn đi đánh điện tử, tôi đã vài lần xuống roi đánh con. Bước vào lớp 9, áp lực thi vào cấp 3 khiến vợ chồng tôi ra điều kiện với con phải đỗ bằng được lớp A1 để định hướng sau này sẽ thi chọn nghề các khối tự nhiên. Hàng ngày, tôi vẫn thấy con ở nhà, không tham gia chơi bời, không thể thao, đến giờ vào học, hết giờ đi ngủ, nhưng kết quả thi không như ý, con chỉ được vào lớp A3. Lúc này, hễ cháu có lỗi gì là tôi hoặc vợ lại quát mắng “lớn chừng ấy rồi mà không biết”, “chỉ có mỗi việc học mà không nên hồn”, “để mẹ hầu hạ đến khi nào nữa”… Tôi cũng đã cố kìm lòng, vài lần sang ngủ cùng con trai, hai bố con tâm sự, phân tích sai trái sau những lần con mắc lỗi. Hai vợ chồng cũng nhắc nhau bớt quát mắng nhưng không giữ được bình tĩnh đủ dài để con thay đổi.
Gần đây, mỗi khi tôi đi làm về lại nghe tiếng vợ lên tiếng mày tao với con, “anh không xử lý nó đi, càng ngày càng láo, lười như ma, cãi nhem nhẻm”. Đỉnh điểm, gần đây, vợ đi vắng, tôi kiểm tra bài học của con trai, thấy cháu bỏ không chép một bài học trên lớp, tôi rút cột màn đánh hai cái. Cháu ôm mặt khóc to, nước mắt giàn giụa, xen lẫn những tiếng nấc không kìm được là những lời nói như dao xé nát tim tôi. “Từ lâu bố mẹ có coi con là con đâu, tất cả chỉ có em. Con cô đơn lắm, về nhà bị coi như con ghẻ, đến lớp chẳng có bạn nào chơi cùng. Những lúc bố đi làm hoặc trước mặt mọi người thì mẹ mẹ, con con, ngay sau đó thì chửi là thằng điên, là đồ mất dạy. Bố mẹ không muốn nhìn thấy con nữa, hãy giết con đi, đừng kỳ vọng gì ở con nữa..”. Tôi buông gậy, hai chân khụy xuống… ôm con khóc. Đứa con gái ở phòng bên khóc ré lên rồi nấc lịm không ra tiếng. Tôi đã thất bại, đau đơn và rối bời quá, xin hãy giúp tôi cứu con mình!
Chuyên gia tư vấn tâm lý:
Anh thân mến,
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi tâm sự của mình đến chuyên mục Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư Vấn An Nam
Qua những dòng tâm sự anh chia sẻ, tôi hiểu được khó khăn hiện tại trong lúc này của vợ chồng anh. Mối quan hệ giữa vợ chồng anh với cậu con trai lớn không được tốt đẹp. Điều đó xuất phát từ việc vợ chồng anh kỳ vọng quá nhiều vào con. Ngày nhỏ, sự quan tâm, thái độ tích cực của vợ chồng anh dành cho con khá nhiều nhưng từ khi có con thứ hai điều đó giảm bớt đáng kể. Đặc biệt, vợ chồng anh chị thường xuyên đổ lỗi cho con. Mỗi khi con làm sai không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của bố mẹ mà đó luôn là những lời quát mắng, chê trách. Về lâu dần xuất hiện thái độ tiêu cực trong cách nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề từ mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình. Đáng ra bản thân con có được sự quan tâm từ bố mẹ, công bằng trong mọi chuyện. Nhưng ngược lại sự thờ ơ, thiếu quan tâm và luôn đổ lỗi cho con từ phía anh chị đã khiến tâm lý con bị tổn thương, cảm thấy bị ghét bỏ. Trong mắt của bố mẹ lúc này chỉ có em mới là người được yêu thương. Thậm chí, bản thân con phải nhường nhịn em, cho dù điều đó con có muốn hay không.
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Hiện tại, con trai anh ở độ tuổi rất nhạy cảm, có nhiều sự xáo trộn trong đời sống tâm sinh lý. Đáng ra con cần có người động viên, khích lệ, định hướng trong cuộc sống thì sự lạnh nhạt, độc đoán từ phía anh chị đã khiến tình trạng của con ngày càng tệ hơn. Lúc nào con cũng chỉ được nghe những lời phàn nàn, chê trách, làm sao con có thể vui vẻ trong cuộc sống, yêu thương bản thân mình và những người xung quanh. Chính thái độ tiêu cực từ phía anh chị đã làm nảy sinh những suy nghĩ thiếu lạc quan ở con. Cho nên lúc này, bản thân anh cũng như người vợ của mình cần phải nhìn nhận, xem xét lại mọi chuyện và có cách sửa chữa kịp thời. Con dù học A3 hay A1 theo sự kỳ vọng của gia đình thì con cũng đã cố gắng hết sức rồi. Là cha mẹ, anh chị hãy tạo cho con cảm giác được an toàn, vui vẻ, chấp nhận chứ không phải là sự chì chiết, ghét bỏ. Con đã nói ra nỗi lòng của mình, sự u uất bao lâu nay con để trong lòng thì bố mẹ cũng hiểu được suy nghĩ của con. Việc nhận ra sai lầm và tự sửa chữa chưa bao giờ là muộn anh ạ. Do đó, anh chị hãy dành nhiều thời gian cho con hơn, chia sẻ, khích lệ tinh thần con để con cảm thấy mình được yêu thương, chấp nhận chứ không phải là sự bỏ rơi. Con cảm thấy cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình đó là lỗi thuộc về anh chị. Trong hoàn cảnh nào, bản thân anh cũng cần giữ được thái độ bình tĩnh, kiểm soát tốt cảm xúc của mình thì mới lắng nghe được những lời chia sẻ của con. Từ đó anh mới có được thái độ cảm thông với những hành vi con gây ra. Lúc đó, con sẽ cảm thấy bản thân mình được chấp nhận, có niềm tin vào anh và sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện.
Anh chị hãy cùng con trai của mình nói chuyện với nhau, chia sẻ mọi vấn đề, nghiêm khắc nhìn nhận và đánh giá đúng sai. Từ đó bản thân mỗi người sẽ thấu hiểu nhau hơn, đồng cảm và khắc phục khó khăn. Hiện tại con của anh có nhiều suy nghĩ tiêu cực, áp lực và căng thẳng, việc bố mẹ thay đổi suy nghĩ của mình, nhẹ nhàng, tình cảm, quan tâm và yêu thương nhiều hơn là điều thực sự cần thiết. Mong anh sớm giải quyết được vấn đề của mình.
Thân ái chào anh!
Bài viết liên quan:
- Dịch vụ tư vấn nhanh qua E-mail có tính phí
- Những điều căn bản khi giáo dục con cái mà cha mẹ nên biết