0904030189

Cách dạy con gái 11 tuổi đến 15 tuổi

Cách dạy con gái 11 tuổi đến 15 tuổi

Chào trung tâm ạ. Mình đang có 1 số băn khoăn khúc mắc khi dạy con gái 11 tuổi. Mình mong nhận được tư vấn từ trung tâm. Con gái mình năm nay 11 tuổi nhưng có rất nhiều tật xấu.

  1. Con hay nói dối
  2. Hay lấy trộm tiền
  3. Đổ lỗi cho người khác
  4. Sai không sửa mà vẫn cứ tiếp tục. Khi nói và phân tích bé chỉ dạ vâng để ngoài tai xong vẫn tái phạm
  5. Tính cách sống 2 mặt: Chuyện gì vừa ý thì bé vui mà không vừa ý thì bé khó chịu quay ra nói xấu người khác.
  6. Rất lì…. mọi chuyện mình thường phân tích nói chuyện nhưng không nhận, đổi cho người khác. Tức quá mình có đánh con rất đau nhưng con cũng không khai và không nhận lỗi.


Chuyên gia tư vấn tâm lý:

Bạn thân mến!

Cảm ơn bạn đã gửi tâm sự của mình về chuyên mục Tư vấn tâm lýtình yêuhôn nhân gia đình của Tư Vấn An Nam, băn khoăn của bạn chuyên gia tâm lý của chúng tôi chia sẻ như sau:

Đọc thư của bạn, tôi hiểu nỗi lo lắng của bạn khi bạn chưa thể tìm ra cách thức hợp lý để giáo dục con gái của mình. Mặc dù bạn đã nỗ lực trong việc phân tích nói chuyện với con và đã áp dụng cả cách đánh con nhưng dường như những cách thức này không hiệu quả. Tôi hiểu và chia sẻ những khổ tâm của bạn khi không thể làm cho con hiểu được nỗi lòng của mình. Đối với những người trong hoàn cảnh của bạn thì điều này là hoàn toàn có thể hiểu được và chỉ một người mẹ thương yêu và quan tâm đến con cái của mình mới có những cảm xúc mà bạn đang trải nghiệm.

Theo lời kể của bạn thì con gái của bạn 11 tuổi và đang ở độ tuổi chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành, lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt và quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Một điều bạn cần lưu ý trong giai đoạn phát triển này là ở các con xuất hiện cảm giác “mình đã là người lớn”, các con muốn được độc lập và không muốn phụ thuộc vào người lớn ở một mức độ nhất định. Những ý nghĩ này xuất hiện một cách tất yếu và tự nhiên, dẫn đến việc các con bắt đầu có thay đổi lớn về thái độ và hành vi như chống đối lại những yêu cầu của người lớn, đòi hỏi người lớn phải đối xử bình đẳng với mình. Mặt khác, ở lứa tuổi này, do các con mới chỉ manh nha nhận thức về các chuẩn mực đạo đức và quy tắc hành xử, sự nóng vội muốn tìm hiểu chính mình nhưng lại thiếu khả năng đánh giá khách quan có thể dẫn đến sự mâu thuẫn, xung đột trong thái độ của các con với bản thân, với người xung quanh. Vậy nên sự dẫn dắt của người lớn có tác động lớn đến việc hình thành và phát triển cách hành xử của các con.

Để có thể hỗ trợ bạn tốt nhất, tôi cần bạn cung cấp thêm một số thông tin về con gái bạn. Bạn có nêu ra nhiều hành vi xấu của con gái, xin bạn hãy nói rõ hơn về những hành vi này. Về hành vi nói dối, con gái bạn thường nói dối về vấn đề gì? Việc nói dối này là nhằm mục đích che giấu điều gì, hay con chỉ nói dối như một thói quen vô thức mà không nhằm mục đích gì cả? Tương tự với hành vi lấy trộm tiền, con lấy trộm tiền vì lý do gì? Những hành vi sai mà không sửa cũng như đổ lỗi cho người khác của con bắt nguồn từ lỗi sai nào hay đó là hệ quả từ hành vi nói dối và lấy cắp? Những nét tính cách theo lời kể của bạn là lì lợm và sống hai mặt là những nét tính cách cố định hay chỉ xuất hiện mỗi khi con mắc lỗi? Như tôi dã nói ở trên, trẻ em ở 11 tuổi đến 15 tuổi luôn mong muốn được độc lập và thoát ra khỏi sự bao bọc của người lớn, và rất có thể hành vi của con gái bạn là biểu hiện của những mong muốn này. Việc tìm hiểu kỹ càng về tình huống dưới góc độ của con sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm ra cách ứng phó hợp lý.

Bạn biết đấy, dù đứa trẻ làm bất kỳ hành động gì, thì hẳn là con phải có lý do của riêng mình. Đứng trước việc con gái của mình có những hành vi không phù hợp, bạn đã thử cả cách phân tích nói chuyện và cách đánh để răn đe con. Tôi hiểu nỗi lòng muốn con trở thành người tốt hơn của bạn, tuy vậy những cách thức của bạn dường như chưa hiệu quả, vậy theo bạn thì điều gì trong cách xử lý của bạn có thể khiến con thấy tự ái hay cảm thấy bị áp đặt? Bạn nói rằng bạn đã phân tích nói chuyện với con, vậy chính xác là bạn đã hỏi con những gì? Trong việc giáo dục trẻ, các nhà tâm lý luôn khuyến khích việc cha mẹ dành thời gian lắng nghe và trò chuyện với trẻ và tôi biết bạn đã nỗ lực làm theo cách này. Dù thế, cũng có những lúc các cha mẹ bất lực trong việc tìm ra giải pháp và chọn cách đánh trẻ với suy nghĩ rằng có thể các con sẽ sợ hãi và lần sau không tái phạm. Tuy nhiên đây không phải cách giải quyết mà tôi khuyến khích bởi hành động này có thể khiến trẻ hình thành thái độ tiêu cực với cha mẹ, trong trường hợp con gái của bạn rất có thể con cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, áp đặt quyền lực lên mình để bắt mình làm theo ý muốn cha mẹ trong khi trẻ chưa hiểu mình sai ở đâu. Sự can thiệp thô bạo của người lớn có thể khiến trẻ thấy bị xúc phạm và chống đối lại, dẫn đến biểu hiện lì lợm và đổ lỗi cho người khác như bạn kể.

Tôi hiểu bạn đang vô cùng rất lo lắng khi bỗng nhiên đến độ tuổi nhất định, trẻ bắt đầu muốn vùng khỏi sự bao bọc của gia đình và không răm rắp nghe theo lời cha mẹ nữa, nhưng hiện tại chúng ta cần giữ thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn để có thể đương đầu với vấn đề này. Nghiêm khắc trong việc dạy con là điều cần thiết để con hình thành ý thức về kỷ luật và các chuẩn mực đúng sai, nhưng cha mẹ cũng cần thử đặt mình ở vị trí của trẻ, khi con cố gắng muốn tự làm một việc gì đó mà không chịu sự quản thúc của cha mẹ, muốn cha mẹ nhìn nhận mình như người có chính kiến và độc lập. Mong muốn được tự mình phát triển là một nhu cầu tất yếu và chính đáng, chỉ là do các con chưa biết cách đạt được điều đó nên dẫn đến những hành vi sai lầm.

Cụ thể, đối với bất kỳ hành vi nào, chúng ta không nên có thái độ gắn mác cho trẻ là “kẻ nói dối” hay “đồ ăn trộm”, bởi điều này khiến trẻ thấy tổn thương và tức giận và có thể khiến con chống đối bằng cách cố tình làm trái ý cha mẹ, cố tình làm cha mẹ không hài lòng. Khi trò chuyện với con về những hành vi, thái độ không phù hợp, cha mẹ cần luôn luôn kiên định vào bản chất tốt đẹp ở mỗi đứa trẻ, rằng con có những mong muốn chính đáng được độc lập, tự giác làm việc của mình. Thay vì nói rằng “con không được…” hay “điều này là không chấp nhận được”, có lẽ bạn nên cân nhắc việc để con tự định hướng hành động của mình. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nói rằng cha mẹ buồn lòng về hành động này như thế nào, tuy nhiên mẹ hiểu là con đã lớn và nhận thức được những điều nên làm và không nên làm, vậy con có thể nói rõ hơn về lý do tại sao mà con lại như vậy không? Một thái độ thấu hiểu và thông cảm từ người lớn sẽ giúp trẻ dễ mở lòng hơn.

Có thể trẻ nói dối vì sợ cha mẹ mắng hay lấy trộm tiền để mua một món đồ mà trẻ yêu thích nhưng cha mẹ không mua cho. Trong những trường hợp đó, có thể trẻ nói dối vì trẻ cảm thấy nếu mình nói thật có lẽ cha mẹ sẽ trách mắng, khi này cha mẹ có thể xem xét trường hợp nếu trẻ nói thật thì cha mẹ sẽ như thế nào, từ đó tìm hiểu xem những phản ứng nào của cha mẹ đã khiến trẻ nói dối. Tương tự với việc lấy trộm tiền, ở độ tuổi phát triển về cả mặt nhận thức và xã hội, trẻ đã bắt đầu có ý thức về việc giữ tiền riêng và tiêu tiền theo ý muốn của bản thân để đáp ứng nhu cầu bản sắc hoặc để đi theo xu hướng. Khi này, cha mẹ có thể cân nhắc thảo luận thêm với con rằng việc lấy trộm bất cứ thứ gì không phải của mình là hành vi không phù hợp cho dù nguyên nhân của nó là gì đi chăng nữa, rằng nếu con gặp khó khăn hay con có nhu cầu thì con có thể hỏi cha mẹ. Về việc cho trẻ tiền, trước hết cha mẹ có thể nói về tình hình kinh tế của gia đình, về lý do tại sao cha mẹ chưa thể cho con nhiều tiền hơn, và nếu con muốn có nhiều tiền hơn thì có thể trẻ sẽ cần làm việc gì đó cho cha mẹ và cha mẹ sẽ trả tiền cho trẻ. Việc làm này sẽ giúp trẻ nhận ra giá trị của đồng tiền, giúp trẻ học được rằng phải tự lao động để đạt được điều gì đó thay vì coi tiền của cha mẹ là tiền của mình. Đối với những trẻ đã lấy trộm nhiều lần thì việc dập tắt thói quen cũ và hình thành thói quen mới dường như sẽ tốn nhiều thời gian, cha mẹ cũng cần kết hợp giảm thiểu nguy cơ trẻ lấy trộm tiền bằng cách cất giữ tiền cẩn thận bởi việc nhìn thấy tiền để hớ hênh ở nơi dễ thấy sẽ cám dỗ trẻ. Một điều nữa mà cha mẹ có thể làm là cấp cho trẻ một số tiền nhỏ nhất định và hướng dẫn cho trẻ tự mua một số đồ dùng nhu yếu phẩm như đồ ăn vặt trong nhà, xà bông, bột giặt, giấy vệ sinh,… trong nhà để trẻ cảm thấy có trách nhiệm với số tiền mình có và làm quen dần với việc tiêu tiền có kế hoạch.

con gái

 

HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189

Dù vậy, trong trường hợp trẻ nói dối hay lấy trộm không vì lý do gì mà chỉ là con thấy mình tự động làm trong vô thức mà không kiểm soát được mình, ví dụ như con thường xuyên nói dối những việc lặt vặt mà chẳng phải vì sợ hãi hay để đạt được gì, hay con cứ lấy tiền nhưng chỉ để đó chứ không dùng vào việc gì, thì tôi khuyên bạn nên đưa cháu đến gặp nhà tâm lý để tìm ra nguyên nhân sâu xa của sự rối loạn hành vi này.

Về những đặc điểm như lì lợm, sống hai mặt như bạn nêu ra thì có lẽ đây là biểu hiện đặc điểm tâm lý thường thấy ở trẻ em ở độ tuổi này khi trẻ cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, hay mỗi khi cha mẹ phân tích thì đều hướng đến phê phán lỗi sai của trẻ khiến các con bị tự ái và không muốn nhận lỗi. Có thể trong lúc nói chuyện với con, sự giận dữ và lo lắng của cha mẹ có thể bộc lộ ra qua nét mặt, cử chỉ, lời nói, khiến các con uất ức đồng thời chối bỏ không muốn nghe cha mẹ vì các con cho rằng cha mẹ lúc nào cũng tức giận với việc mình làm. Không một ai, dù là trẻ nhỏ hay người trưởng thành, muốn chịu đựng tình cảnh bị người khác chỉ trích lỗi sai của mình bởi điều đó làm tổn thương lòng tự trọng của các con. Do đó, cha mẹ cần khéo léo tạo không gian riêng cho trẻ suy nghĩ về hành vi của mình và chấp nhận rằng có những lúc trẻ bướng bỉnh không chịu, chứ không nên dồn dập bắt trẻ nhận lỗi ngay lập tức. Điều này có thể thực hiện bằng cách để trẻ ngồi một mình và tự viết những cảm xúc, suy nghĩ về hành động của mình, hay tránh nói về chuyện này khi có mặt người khác để trẻ không thấy xấu hổ. Một việc quan trọng nữa cần làm là cho trẻ lời khen ngợi mỗi khi trẻ có dấu hiệu làm tốt hay dấu hiệu nhận sai, rằng con đã rất dũng cảm hay con đã rất ngoan. Mặt khác việc hỏi chuyện rõ ràng các con theo những câu tôi đã đưa ra ở đoạn trên và giữ một thái độ bình tĩnh, thấu hiểu rằng các con có những lý do chính đáng thì cha mẹ sẽ phần nào cải thiện được thái độ của con với cha mẹ.

Trong khuôn khổ bức thư này, tôi đã giúp bạn điểm qua một số đặc điểm tâm sinh lý ở trẻ em độ 11 tuổi đến 15 tuổi; một số câu hỏi mà bạn cần trả lời để hiểu rõ hơn về hành vi của con cũng như điều gì khiến những cách làm của bạn chưa thực sự hiệu quả; cũng như một số cách thức phù hợp để hướng trẻ đến hành vi đúng đắn. Tôi hiểu nỗi lòng của người làm cha mẹ khiến bạn sốt ruột và lo lắng cho con gái mình rất nhiều, nhưng quá trình uốn nắn trẻ không chỉ cần sự kiên nhẫn và tình thương mà còn cần sự giao tiếp thấu hiểu giữa cha mẹ và các con, cũng như những kiến thức về tâm lý và các phương pháp rèn dạy phù hợp với từng trẻ. Trẻ em là những cành cây non với sức sống mạnh mẽ nhưng vẫn còn ngây thơ, chúng ta cần uốn các con vào khuôn phép, nhưng cũng cần chú ý mềm mỏng tránh làm tổn thương các con, chúng ta có những phân tích và trừng phạt thì chúng ta cũng phải có những lời khen và phần thưởng tương đương. Đây là một hành trình đầy trắc trở nhưng cũng nhiều niềm vui.

Mong bạn luôn bình tĩnh và sáng suốt trong hành trình cùng con gái mình!

Thân chào bạn!

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 17-11-2022 bởi Doan Lan

Cùng chuyên mục


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com