0904030189

Khi con thường xuyên lấy trộm tiền của mẹ?

Khi con thường xuyên lấy trộm tiền của mẹ?

Vợ chồng tôi có nhận nuôi một người con. Năm nay cháu 12 tuổi và cháu chưa biết sự thật mình là con nuôi của bố mẹ do vợ chồng tôi chưa nói. Một năm lại đây, cháu nghe những người xung quanh bàn luận, cháu biết điều đó và tâm lý có sự thất thường. Cháu có thói quen xấu là thường xuyên lấy trộm tiền của tôi để mua đồ chơi đắt tiền, đồ vặt vãnh và bao bạn bè ăn uống. Tôi đã dạy bảo cháu nhiều lần, nói to nhỏ, quát mắng đều có nhưng cháu chưa sửa được. Vợ chồng tôi có nên nói sự thật cho cháu biết và tôi nên làm gì để giúp cháu bỏ được thói xấu ăn trộm tiền? Tôi mong nhận được sự tư vấn của chuyên gia.



Lời tâm sự:

Kính gửi tư vấn An Nam!

Tôi tên Lan, quê Phú Yên, xin chuyên gia tư vấn giúp tôi về giáo dục con cái. Tôi có nuôi một người con năm nay cháu 12 tuổi, vì sợ ảnh hưởng tâm lý cháu nên vợ chồng tôi chưa nói rõ thân phận  cho cháu biết. Thời gian 1 năm nay có bạn bè trêu chọc, người lớn vô ý nói cháu con nuôi, nhưng cháu không kể cho ba mẹ biết; gặng hỏi mãi cháu mới nói ra. Bây giờ cháu có biểu hiện tâm tính thất thường, có lúc nằm  khóc, khi bực dọc thì lẩn quẩn đồ đạc quăng ném lung tung và điều mà tôi không thể giáo dục cháu được là tính hay trộm tiền của mẹ đi mua đồ chơi đắt tiền, mua nhiều đồ chơi vặt vãnh, bao bạn bè ăn, uống. Tôi đã phát hiện và nhiều lần giáo dục nói to, nhỏ có lúc qúa bực tức la mắng. Cháu biết nói xin lỗi, nhận lỗi, xin hứa, nhưng rồi không bỏ thói xấu đó mà ngày càng biểu hiện dày hơn. Tôi phải làm thế nào? Tôi cất tiền kỹ không để trẻ thấy thì cũng chỉ tạm thời mà thôi, chứ tiền chi tiêu hàng ngày trong ví, trong sách không thể giữ mãi bên mình. Xin hỏi chuyên gia tư vấn. Tôi nên kể sự thật về thân phận cháu là con nuôi được hay không? Vào thời điểm nào là hợp lý? Tôi nói thế nào cho cháu hiểu và chấp nhận sự thật đó? Tôi giáo dục cháu bằng cách nào để cháu từ bỏ thói quen xấu lấy tiền trộm của mẹ và biết tiết kiệm tiền?

Chuyên gia tư vấn tâm lý:

Trước tiên cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi những lời tâm sự của mình về chuyên mục tư vấn Tư vấn tâm lýtình yêuhôn nhân gia đình của Tư Vấn An Nam. Đọc những dòng tâm sự của bạn, tôi hiểu được khó khăn của bạn trong lúc này, tôi thấu cảm và xin được chia sẻ cùng bạn.

Vợ chồng bạn có nhận nuôi một người con, năm nay cháu đã 12 tuổi. Đến thời điểm này vợ chồng bạn chưa nói cho cháu biết bản thân mình chỉ là con nuôi của bố mẹ. Tuy nhiên, do bạn bè trêu chọc và người lớn vô tình nói ra nên lúc này, cháu đã phần nào biết về điều đó. Cháu không chủ động nói cho bố mẹ biết nhưng qua biểu hiện tâm lý thất thường của con, bạn đã gặng hỏi và rõ ràng sự việc. Khi biết mình chỉ là con nuôi của bố mẹ tâm lý cháu có sự xáo trộn, thi thoảng nằm khóc, bực dọc thì ném đồ đạc và có tính ăn trộm tiền của mẹ để mua đồ chơi đắt tiền, đồ vặt vãnh và bao bạn bè ăn uống. Bạn đã nhiều lần khuyên bảo cháu, có những lời nói dạy bảo, quát mắng, cháu nhận ra lỗi lầm của bản thân mình, xin lỗi và hứa sẽ thay đổi. Nhưng cho đến nay con không những không sửa được thói xấu đó mà biểu hiện còn dày hơn. Đứng trước điều này, tâm lý làm cha mẹ thực sự lo lắng cho tình hình của con mình bởi bạn luôn muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con. Con đang có những suy nghĩ và hành vi sai lệch, việc uốn nắn và sửa đổi là cần thiết nhưng thực sự không dễ dàng gì. Do đó, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho mình, có thái độ cứng rắn, nghiêm túc trước hành vi của con để con hiểu được điều đó và chịu hợp tác, từ bỏ triệt để thói quen xấu của mình.

Hiện tại, con đã phần nào biết được bản thân mình không phải là con ruột của bố mẹ. Do đó, vợ chồng bạn nên nói rõ ràng cho con nghe về sự thật này. Bạn cũng không thể giấu con được nữa bởi sẽ càng khiến con nghi ngờ hơn. Nếu như những người xung quanh, bạn bè không trêu chọc, con chưa biết gì về thân thế của mình thì bạn có thể để con lớn hơn. Nhưng lúc này con đã biết rồi, nếu bố mẹ lảng tránh mỗi khi con hỏi hoặc có thái độ khiến con nghi ngờ thì càng làm tâm lý của con khó chịu hơn mà thôi. Có lẽ, vợ chồng bạn cũng lo sợ khi nói rõ ràng sự thật cho con nghe, tâm lý của con sẽ khủng hoảng hơn, thậm chí sẽ nảy sinh nhiều suy nghĩ và hành vi tiêu cực hơn. Nhưng đó là sự thật mà con phải chấp nhận. Bạn hãy giải thích để con hiểu, tuy con không phải do bố mẹ sinh ra nhưng tình cảm, sự yêu thương và những gì tốt đẹp vợ chồng bạn đều dành cho con. Thực tế, từ khi con còn nhỏ cho đến bây giờ, cách vợ chồng bạn đối xử với con như thế nào? Bạn có thể lấy dẫn chứng để con hiểu được bố mẹ yêu thương mình biết bao. Tâm lý của con sẽ bị tổn thương khi nghĩ mình là đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng vợ chồng bạn đã may mắn có được con. Việc con biểu hiện những tâm lý thất thường như vậy khi biết sự thật mình chỉ là con nuôi của bố mẹ cũng là điều hợp lý. Bởi con đang có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, vậy bố mẹ con là ai? Tại sao mọi người lại đối xử với con như vậy? Rồi sau này cuộc sống của con sẽ ra sao? Liệu bố mẹ nuôi có yêu thương mình mãi không?…Để hiểu rõ được những suy nghĩ của con thì việc vợ chồng bạn nói chuyện thẳng thắn về sự thật này là cần thiết. Khi bạn nắm được suy nghĩ của con, hiểu được tâm trạng con phải trải qua lúc này, bạn mới có thể giúp con vượt qua khó khăn, chấp nhận sự thật đó.

Khi con thường xuyên lấy trộm tiền của mẹ

 

HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189

Trước đây, khi con chưa biết sự thật này, con có phải là một đứa trẻ ngoan? Con có thói quen xấu hay hành vi nào khiến bạn lo lắng hay không? Việc con hay ăn trộm tiền của bạn chính thức bắt đầu từ khi nào? Có phải từ khi con biết mình không phải con ruột của vợ chồng bạn? Khi con lấy tiền của bạn, bạn đã nói chuyện, giáo dục con, vậy lý do con làm điều đó là gì? Nếu là mua đồ chơi đắt tiền, đồ vặt vãnh hay bao bạn bè ăn uống thì bình thường trong cuộc sống hàng ngày, con có đòi hỏi vợ chồng bạn mua cho con những thứ đó không? Bản thân bạn cũng như chồng có quá khắt khe trước những đòi hỏi của con và có cho con quyền được lựa chọn những gì mình thích? Nếu như bố mẹ có đáp ứng đầy đủ cho con nhưng vẫn là những thứ con không có nhu cầu thì con sẽ vẫn cảm thấy thiếu thốn và nảy sinh hành vi ăn trộm tiền để thỏa mãn những gì mình muốn. Nhưng nếu con luôn đòi hỏi và được bố mẹ đáp ứng một cách thái quá cũng làm nảy sinh suy nghĩ “được voi đòi tiên” và khi nhu cầu của con gia tăng, bố mẹ cảm thấy không thể đáp ứng cho con được nữa nên từ chối thì con cũng sẽ có hành vi tiêu cực đó. Bạn nên xem xét lại trong quá trình dạy bảo con, vợ chồng bạn có mắc sai lầm này không? Việc bạn phân tích cho con nghe lấy trộm tiền của người khác là không đúng, không nên làm và phải từ bỏ thì con cảm thấy thế nào? Khi con đã hứa với bạn là sẽ sửa đổi nhưng hành vi lặp lại, lúc đó bạn nói với con, con giải thích làm sao? Ở lứa tuổi của con “cái tôi” rất lớn, con muốn được làm những gì con thích, mong được mọi người xung quanh tôn trọng, xem con như là người lớn và việc xây dựng hình ảnh bản thân là quan trọng. Con muốn thể hiện bản thân mình và được mọi người xung quanh ghi nhận điều đó. Đó cũng có thể là lý do, con lấy tiền của mẹ để bao bạn bè ăn uống, thích thể hiện mình. Việc mua đồ chơi đắt tiền có phải là thói quen từ trước đến nay của con không? Khi con được bố mẹ mua cho bất cứ một thứ gì, con thường lựa chọn như thế nào? Bạn cũng cần nắm được điều này để hiểu tâm lý của con hơn. Việc mua đồ đắt tiền cũng thể hiện bản thân mình có gia đình khá giả hay được bố mẹ cưng chiều, cũng là cách làm cho những người xung quanh thán phục bản thân con. Bạn có thể cất giữ tiền cẩn thận, không để tiền trước mắt con khiến con dễ dàng nảy sinh hành vi ăn trộm. Tuy nhiên, đây không phải là cách xử lý lâu dài bởi bản chất của vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Nếu như con đã có tính ăn trộm tiền thì khi con không lấy của cha mẹ con sẽ lấy của những người xung quanh. Điều đó thực sự gây ra những rắc rối cho con, hình thành một tính cách xấu. Do vậy, việc cần làm là vợ chồng bạn phải giáo dục con để con hiểu được bản thân mình làm vậy là sai, là không tốt và cương quyết sửa tính xấu đó. Phương pháp giáo dục phù hợp với con trong lúc này là khuyên răn, giải thích và phân tích rõ ràng cho con thấy hành vi sai trái của mình. Việc con nói ra những suy nghĩ, mong muốn của mình cũng là điều cần thiết bởi khi tâm lý con không thoái mái, có nhiều điều bất bình, cảm thấy áp lực con thường sẽ làm những hành vi tiêu cực để giải tỏa. Để thay đổi một thói quen xấu và hình thành thói quen tốt cần phải có thời gian, có sự bình tĩnh, cảm thông, yêu thương và quan tâm đến con. Mong bạn cùng chồng sẽ sớm giải quyết được vấn đề của mình, giúp con vượt qua khó khăn hiện tại và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Thân mến chào bạn!

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 16-11-2022 bởi Lan Lan

Bài liên quan


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com