Thay đổi tâm lý tuổi vị thành niên
Em gái thay đổi tiêu cực, phải làm sao đây? Trước đây, em ấy luôn vui vẻ, sống hòa đồng nhưng thời gian gần đây mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Em gái của em hay xem những video có tính bạo lực, hành vi ứng xử theo chiều hướng tiêu cực.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Bất lực vì giáo dục con tuổi vị thành niên
- Cách dạy con gái 11 tuổi đến 15 tuổi
Lời tâm sự:
Chào Tư Vấn An Nam!
Em gái của em năm nay 14 tuổi. Lúc trước em ấy rất vui vẻ, hòa đồng nhưng bây giờ lại trở nên gắt gỏng, có xu hướng khá bạo lực chỉ xem những video có cảnh máu me còn những cái khác nó nói là nhạt nhẽo, chơi game cũng chơi những trò kinh dị bạo lực. Nó có một cuốn nhật kí viết là cảm giác như trong nhà không còn ai thương nó hết, cũng viết suýt dùng dao đâm một bạn cùng lớp vì đọc nhật kí của nó. Nó ngày càng biếng ăn và hình như đang dự định làm gì mẹ em vì mẹ hay chửi là nó. Xin chuyên gia tư vấn và cho em cách giải quyết. Em xin cảm ơn chuyên gia ạ.
Chuyên gia tham vấn tâm lý:
Em thân mến! cảm ơn em đã tin tưởng và gửi lời tâm sự về chuyên mục Tư vấn tâm lý tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư vấn An Nam, băn khoăn của bạn chuyên gia của chúng tôi chia sẻ như sau:
Qua những dòng tâm sự của em, tôi biết em có em gái năm nay 14 tuổi. Hiện tại, em ấy có sự thay đổi khiến em rất lo lắng. Trước đây, em gái của em rất vui vẻ, hòa đồng nhưng bây giờ lại trở nên gắt gỏng, có xu hướng bạo lực. Em gái em viết nhật ký và trong đó có nói rằng cảm giác trong nhà không còn ai yêu thương em ấy, thậm chí còn có ý định muốn làm gì mẹ em vì mẹ hay chửi em là nó. Là một người chị khi nhìn thấy sự thay đổi tiêu cực từ phía em gái mình và đọc được những dòng nhật ký như vậy, em không thể tránh khỏi sự bất an. Chỉ có người chị thật lòng yêu thương em gái và lo lắng cho tương lai của em ấy mới có được suy nghĩ như em. Tôi thật lòng cảm thông với tâm trạng của em trong lúc này và xin được chia sẻ cùng em.
Em cũng biết, em gái em đang ở độ tuổi dậy thì. Lứa tuổi đó có nhiều khủng hoảng, sự nổi loạn. Chính bản thân em ấy nhiều lúc cũng không làm chủ được những cảm xúc, suy nghĩ của mình nên mới dẫn đến những cách ứng xử khiến mọi người xung quanh không hài lòng. Trước đây, em gái của em là người vui vẻ, hòa đồng, vậy chính xác từ khi nào em ấy có sự thay đổi tiêu cực như vậy? Khi em ấy còn là một đứa trẻ ngoan, nghe lời bố mẹ và người lớn, mọi người trong gia đình em thường đối xử với gái em theo cách như thế nào? Nếu người lớn thường dạy bảo em theo cách ra lệnh thì đến lứa tuổi này, em ấy sẽ có xu hướng cãi lời và không làm theo những gì mọi người mong đợi. Em bắt đầu thể hiện cá tính “cái tôi” của mình, muốn được người thân, những người xung quanh tôn trọng như người trưởng thành, có suy nghĩ của riêng mình, không muốn bị áp đặt. Do đó, nếu cha mẹ, những người xung quanh không hiểu được điều này mà vẫn giáo dục theo kiểu ra lệnh cho em ấy thì sẽ xuất hiện sự cáu kỉnh, khó chịu, thậm chí là chống đối. Bản thân em nhìn nhận như thế nào về cách đối xử của bố mẹ em với em gái của mình? Khi em gái em không thích, không hài lòng với những gì bố mẹ em đưa ra thì em ấy thường có biểu hiện thái độ, cư xử và hành vi như thế nào? Em có thường xuyên nói chuyện, trao đổi với em gái em về những biến đổi ở lứa tuổi dậy thì và có cái nhìn cảm thông với những điều đang tồn tại ở em ấy hay không? Giữa hai chị em có sự thân thiết, cởi mở để em gái em tin tưởng và chia sẻ mọi chuyện cho em nghe?
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Em có nói, em gái của em thường hay xem những vi deo có tính “máu me”, chơi game có tính bạo lực. Điều này có thể xuất phát từ việc trong cuộc sống, các mối quan hệ em ấy quá áp lực và cần được giải tỏa. Thậm chí, nếu bố mẹ, những người xung quanh cũng ứng xử với em ấy theo cách bạo lực thì em gái em có xu hướng biểu hiện ra ngoài như vậy. Cuộc sống buồn tẻ, không có ai thực sự thấu hiểu, cảm thông, em ấy cũng sẽ tìm đến game như một cách giải trí. Hơn nữa, ở lứa tuổi này, các em thường muốn khẳng định bản thân mình đã lớn, muốn được những người xung quanh để ý nên thường làm ra những việc như vậy. Em thường thấy các bạn học sinh bắt đầu biết hút thuốc, nhuộm tóc xanh, tóc đó, thay đổi phong cách ăn mặc, dùng chất gây nghiện hay xăm hình, thay đổi trong tính cách, muốn tự mình quyết định mọi việc và khó chịu khi bị người lớn ra lệnh, xen vào việc của mình. Từ điều này, em nên xem xét lại trong cách đối xử của bố mẹ, những người xung quanh với em gái của em có phải như vậy hay không? Nếu thực sự mọi người trong gia đình em đang dùng cách ứng xử này với em gái em thì nên có sự thay đổi để em ấy cảm nhận được sự yêu thương, cảm thông mà thay đổi tính nết của mình, sống vui vẻ, cởi mở hơn.
Khi việc học tập của em gái em căng thẳng, cộng với những khó chịu từ mối quan hệ với mọi người trong gia đình, em ấy không nói được với ai thì cần có người thực sự hiểu, quan tâm, tạo niềm tin. Là chị gái, em hãy quan tâm, chia sẻ những khó khăn, áp lực với em gái của em. Khi em ấy nói ra được những khó chịu, bất bình của mình, trong lòng sẽ thấy thoải mái hơn, cuộc sống cũng sẽ trở nên vui vẻ và không phải dựa vào game để giải tỏa. Em ấy cảm nhận trong gia đình không còn ai thương em ấy, em suy nghĩ như thế nào về điều này? Em đã nói chuyện với bố mẹ chưa và có giải thích để em gái của em hiểu được vì sao mọi người lại làm như vậy hay không? Thực ra, là cha mẹ ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái của mình, do đó khi thấy con có những thái độ, cử chỉ và hành vi không phù hợp, bố mẹ thường dạy bảo con, hướng suy nghĩ của con theo cách của mình bởi cho rằng mình là người đi trước có nhiều kinh nghiệm hơn nên mới dẫn đến sự bất đồng quan điểm. Nhưng bản thân em ấy lại đang muốn khẳng định sự trưởng thành của mình, muốn được người lớn tôn trọng nhưng lại không có được điều đó. Em cũng nên nói chuyện để bố mẹ em hiểu, cảm thông với em gái của em hơn. Cách xưng hô của mẹ em với em gái là “nó” cũng sẽ khiến em ấy nghĩ rằng bị mẹ ghét bỏ, không còn được yêu thương như trước. Từ đó mới xuất hiện tâm lý ghét mẹ, muốn làm điều gì đó để thỏa mãn tâm lý bất bình của mình. Việc em ấy suýt dùng dao đâm vào người bạn cùng lớp do bạn ấy đọc trộm nhật ký của em gái em cũng xuất phát từ việc bản thân không được tôn trọng. Về điều này, em đã tìm hiểu rõ ràng hay chưa? Người bạn ấy với em gái của em có mối quan hệ với nhau như thế nào? Giữa hai người có thường xuyên nảy sinh những mâu thuẫn, bất hòa hay không? Khi người bạn đó đọc trộm nhật ký của em gái em, người ấy có tỏ thái độ biết sai, hối lỗi hay không? Hiện tại, mối quan hệ bạn bè giữa em gái em với người đó như thế nào? Đứng trước sự việc đó, em gái của em có tâm lý ra sao và đã ổn định lại hay chưa? Em biết em gái của em đang có ý định muốn làm gì mẹ em từ việc em xem trộm nhật ký của em ấy hay như thế nào? Nếu em nói với mẹ điều này hay nói với em ấy có thể sẽ khiến em gái em khó chịu vì bí mật của mình bị chị phát hiện ra. Do đó, để thay đổi suy nghĩ của em gái em, em và mọi người trong gia đình nên thay đổi cách hành xử của mình trong mối quan hệ với em ấy. Thái độ nhẹ nhàng, quan tâm, yêu thương, chia sẻ là cần thiết để em ấy cảm nhận được mọi người vẫn không hề ghét bỏ em gái em mà chỉ là yêu thương theo một cách khác. Nếu hiện tại mọi người đang duy trì mối quan hệ với em ấy theo cách ra lệnh, áp đặt và buộc phải làm theo ý kiến của bố mẹ, người thân thì hãy ngừng ngay việc này lại. Bởi điều đó không hề có tác dụng với tâm lý của em gái em ở lúa tuổi này mà ngược lại càng tạo ra sự căng thẳng, phẫn nộ, bất bình từ phía em ấy mà thôi. Để em ấy thay đổi suy nghĩ, cách hành xử của mình trong mối quan hệ với mọi người thì bố mẹ, người thân cần làm điều đó trước. Khi em gái em cảm nhận bản thân được yêu thương, quan tâm, tôn trọng, đời sống tinh thần của em ấy thoải mái thì mọi vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn, mối quan hệ giữa mọi người sẽ được cải thiện.
Với những điều em chia sẻ, trong khuôn khổ bài viết của mình, tôi hỗ trợ em một vài phương án giải quyết vấn đề của em gái em. Nếu còn điều gì em cần chia sẻ, tôi sẵn sàng lắng nghe cùng em. Mong em sớm giúp em gái của mình vượt qua khó khăn này.
Thân ái chào em!