Em trai trở nên bướng bỉnh khi đến tuổi dậy thì
Em trai em năm nay 16 tuổi bướng bỉnh khi đến tuổi dậy thì và hỗn láo cãi lại gia đình không chịu nghe lời. Em luôn tỏ thái độ bất mãn gần như không bao giờ nói chuyện với người trong gia đình, ích kỷ, chỉ khi nào có những việc nó cần, việc có lợi cho nó nó mới nói. Học thì giỏi nhưng luôn tư kiêu ích kỷ lòng tự trọng to đùng nhưng ra ngoài xã hội thì rụt rè chả biết nói năng gì. Mọi người lại nghĩ nó hiền mà về nhà thì như ông tướng. Bố mẹ em ngày xưa nuông chiều nhưng gần đây cũng đã dùng cả cách nghiêm khắc mà nó không chịu nghe nữa. Sáng nay không biết nó bất mãn chuyện gì mà đạp ghế, em chửi mắng nó thì nó nói ” tao đéo cần “. Em bảo nó không được đạp phá nữa nó lại càng cố đập mạnh cốc xuống bàn kính. Em tức quá tát nó, nó đau ngồi xuống ôm mặt xong lại đứng lên ném vỡ tan cái cốc chửi lại em. Bố mẹ em thực sự bất lực vì nó, vì muốn nó học giỏi nên bố mẹ em làm hết việc nhà nó chỉ cần học, xin cho nó đi học thêm khắp nơi, xin cho nó vô lớp chọn, mà nó dường như không coi bố mẹ em ra gì. Bố mẹ khuyên bảo thì lấy tay bịt tai, thi vào cấp 3 xong thì bắt bố mẹ phải đi xin cho vào lớp chọn. Anh chị giúp em và gia đình em với.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Tư vấn dạy con tuổi mới lớn mà cha mẹ cần biết
- Cách ứng xử với bé gái tuổi dậy thì
Chuyên gia tư vấn tâm lý:
Bạn thân mến!
Cảm ơn bạn đã gửi tâm sự của mình về chuyên mục Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư Vấn An Nam, băn khoăn của bạn chuyên gia tâm lý của chúng tôi chia sẻ như sau:
Đọc thư của bạn, tôi có thể hiểu được những trăn trở mà bạn đang trải qua trong việc bảo ban em trai của bạn. Trong thư bạn có nói đến thái độ cũng như hành vi như cãi lại gia đình, không nghe lời bố mẹ và đỉnh điểm là đập phá đồ đạc và cãi nhau với bạn vào buổi sáng gần đây. Qua những chia sẻ này, dường như bạn đang cảm thấy lo lắng khi em trai của mình càng lúc càng chống đối và xa cách với các thành viên trong gia đình, và đối với những người đang ở trong hoàn cảnh giống như bạn thì nỗi khổ tâm này là hoàn toàn có hiểu được. Phải là một người chị biết quan tâm và lo nghĩ cho em trai của mình thì mới có những cảm giác như bạn đang trải nghiệm lúc này.
Để có thể hỗ trợ bạn tốt nhất trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề bạn đang gặp phải, tôi cần biết thêm một số thông tin cụ thể về tình hình của em trai bạn cũng như gia đình bạn. Theo lời trong thư thì bạn có nói nhiều đến cách ứng xử ngỗ nghịch của em trai, bao gồm thái độ ương bướng, hỗn láo, ích kỷ, tự kiêu, vậy bạn có thể chia sẻ thêm xem những biểu hiện về mặt hành vi, cử chỉ của sự ương bướng là như thế nào? Đâu là những việc mà gia đình khuyên bảo nhưng em ấy cãi lại? Bạn biết đấy, khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, đứng trước sự biến đổi về mặt tâm sinh lý cũng như về môi trường học tập, các em thường có khao khát được thoát ra khỏi sự bao bọc của gia đình và tự thể hiện bản thân như một cá thể độc lập. Trong nhiều trường hợp, trẻ chưa biết cách thể hiện được mong muốn này của mình nên đã biểu lộ ra bằng những hành vi đối nghịch, bất mãn. Bạn hãy nhớ lại xem những biểu hiện ương bướng của em trai xuất hiện từ bao giờ? Bạn và em trai cũng như bố mẹ bạn và em trai thường có bất hoà về việc gì? Điều gì khiến bạn nghĩ rằng em trai rụt rè và hiền lành với người ngoài nhưng lại hỗn láo với những thành viên trong gia đình? Liệu việc bố mẹ nuông chiều em trai bạn từ bé nhưng hiện tại lại tỏ ra nghiêm khắc với em ấy có thể có ảnh hưởng gì tới thái độ bất mãn của em trai bạn? Gia đình đã phản ứng như thế nào trước thái độ của em trai bạn? Bạn và gia đình mong đợi em sẽ cư xử như thế nào?
Đối với những trường hợp “nổi loạn” ở tuổi dậy thì như em trai bạn có thể đang trải qua, thì tuỳ vào cách phản ứng của những người trong gia đình – những người gần gũi với các em nhất, mà các em có thể dần dần thích ứng với những thay đổi và cải thiện cách ứng xử hoặc các em cũng có khả năng chống đối lại tất cả mọi người. Theo lời bạn kể thì buổi sáng gần đây, bạn gặp cảnh em trai bạn bất mãn vô cớ và có hành động đạp ghế, khi bạn chửi mắng em trai bạn thì em trai bạn nói lại, bạn bảo em không đạp phá thì em đập cốc xuống bàn, khi bạn đánh em bạn thì em lại ném cốc và chửi mắng. Hẳn bạn phải có lý do chính đáng nào đó khi việc đối xử nghiêm khắc với em trai khiến em ấy chống đối nhưng bạn vẫn chọn cách phản ứng như vậy mỗi khi muốn bảo ban em? Bên cạnh việc mắng chửi hoặc nghiêm khắc khuyên bảo thì bạn và bố mẹ bạn đã nói chuyện như thế nào với em trai em về cách cư xử của em ấy? Bên cạnh những lúc bất hoà thì có khi nào em trai khiến bạn và gia đình bạn có cảm giác rằng em ấy cũng có lúc hiền lành? Trong cuộc sống, sẽ luôn có những lúc chúng ta phải đối mặt với sự căng thẳng khi không biểu đạt được hết sự quan tâm của mình với những người thân yêu, vậy thì bạn cảm thấy đâu là cách thức phù hợp nhất với bản thân bạn để vừa bày tỏ sự lo lắng vừa không áp đặt lên em trai của bạn? Bạn thử đánh giá lại xem mức độ hiệu quả của cách ứng phó hiện tại của bạn với em trai bạn như thế nào?
Với trường hợp của bạn và em trai, em của bạn còn trẻ và chưa hiểu nỗi lòng của chị, và tôi hiểu đây là một trải nghiệm không hề dễ chịu, và sự lo lắng, sốt ruột khi em trai càng lúc càng xa cách có thể đã dẫn đến việc bạn và gia đình cố gắng nghiêm khắc hơn với mong muốn em sẽ cư xử tốt hơn. Như bạn đã kể, dường như đây chưa phải cách tốt nhất khi cả bạn và em đều mất bình tĩnh và nói những lời nặng nề với nhau. Mỗi người ở độ tuổi khác nhau lại có những nỗi lo và tâm sự khác nhau, vì vậy cách tốt nhất để hai người cư xử hoà hợp đó là đặt mình vào vị trí của người khác. Bạn nghĩ thế nào về việc bản thân bạn là người chọn lùi một bước và thử hỏi chuyện em trai? Nhiều người khi ở trong trường hợp của bạn đã chọn cách phớt lờ trẻ và để trẻ làm những điều trẻ muốn, miễn là trẻ giữ chừng mực; cũng có người cư xử mềm mỏng mỗi khi trẻ có tâm sự, bằng cách giữ thái độ bình tĩnh khi hỏi chuyện các em và không bắt ép hay phán xét mỗi khi các em có ý muốn thoát khỏi khuôn mẫu; cũng có người sử dụng bạo lực để ép các em vào nề nếp; bạn nghĩ như thế nào về những giải pháp này?
HOTLINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 0904030189
Là một người chị thương yêu và quan tâm em trai, chắc hẳn bạn và gia đình chưa bao giờ muốn mối quan hệ trong gia đình phải trở nên xa cách, căng thẳng, vậy nên có thể cách tốt nhất để làm điều này là ngưng việc ra lệnh hay bắt ép các em, bởi em trai bạn đã bắt đầu vào tuổi vị thành niên và có những suy nghĩ của riêng mình. Thay vì nói rằng em không được làm việc này việc kia, bạn nghĩ sao nếu hỏi ý kiến của em trai để cùng thảo luận trước khi đi đến quyết định? Việc bày tỏ thành lời sự lo lắng và nỗi phiền muộn của bản thân khi chị em không được thân thiết, gia đình không được gần gũi cũng là một cách thức hợp lý để em trai bạn biết rõ được lý do mà bạn và gia đình lại có những hành động khuyên bảo hay can thiệp vào chuyện của em. Việc hỏi chuyện bạn bè của em trai bạn xem đời sống tâm lý tình cảm của em như thế nào cũng là một lựa chọn. Tất nhiên, chỉ có em trai bạn hiểu rõ những gì đang xảy ra với em ấy, nên việc trò chuyện để chị em thấu hiểu và thông cảm với nhau là việc làm quan trọng nhất. Cách thức này có thể tốn nhiều tâm sức và thời gian, cũng như đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng cảm thông rất lớn từ gia đình, nhưng quá trình này có thể sẽ giúp cải thiện mối quan hệ gia đình và định hướng cho người em trai của bạn.
Như vậy, trong khuôn khổ bức thư này, tôi chỉ có thể chia sẻ với bạn một số điều như trên, trong đó, bằng cách làm rõ một số câu hỏi như tôi đã nêu ở trên cũng như tham khảo một số lựa chọn giải pháp, bạn có thể hệ thống lại những thông tin cần thiết để ứng phó với sự bất hoà của hai chị em. Nếu bạn vẫn còn khúc mắc trong việc quyết định đâu là cách thức phù hợp cho mình hay trong việc biến những ý định thành hành động thì tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn. Mong bạn và em trai có thể sớm cải thiện mối quan hệ và cư xử hoà hợp với nhau!
Bài viết liên quan: