0904030189

Phương pháp dạy con ở tuổi dậy thì

Phương pháp dạy con ở tuổi dậy thì

Ở tuổi dậy thì, trẻ sẽ có những thay đổi về cả mặt tâm và sinh lý, chính vì vậy trẻ sẽ rất nhạy cảm, và dễ bị tổn thương nếu như bố mẹ quá mức nghiêm khắc, thậm chí sẽ có những hành động nông nổi. Chính vì vậy cha mẹ cần phải tìm hiểu các phương pháp dạy con ở tuổi dậy thì phù hợp, chuẩn bị kiến thức, phòng xa để uốn nắn con cái một cách kịp thời phù hợp với tâm sinh lý của trẻ ở lứa tuổi này.



Tại sao cần có phương pháp dạy con tuổi dậy thì phù hợp, bởi đây là lứa tuổi rất nhạy cảm, cùng với sự thay đổi về thể chất cũng kéo theo những thay đổi lớn về mặt tâm lý. Người ta hay gọi tuổi dậy thì là tuổi nổi loạn, hay tuổi bất trị cũng có lý do của nó. Có lẽ bởi đây là lứa tuổi đã khiến các bậc cha mẹ đau đầu nhất, lứa tuổi khát khao được khẳng định mình, tuổi mà người ta nói rằng người lớn cũng chẳng phải người lớn, nhưng trẻ con cũng chẳng phải là trẻ con. Thế nên chẳng biết phải đồng hành như thế nào mới là phù hợp. Lứa tuổi này các em có xu hướng thay đổi về thể chất, sự lớn lên của các bộ phận trong cơ thể, cùng sự tăng tiết của các hormone giới tính, khiến cho trẻ luôn cảm giác lóng ngóng, khó chịu, bất ổn định về mặt cảm xúc. Lứa tuổi này, các em có thể gặp phải khủng hoảng tuổi thiếu niên, có những bạn vượt qua lứa tuổi này một cách êm đềm, nhưng cũng có những bạn trải qua tuổi thiếu niên đầy bão giông. Chính vì vậy các cha mẹ cần có những phương pháp giáo dục con trong độ tuổi dậy thì phù hợp, để con có thể phát triển toàn diện.

phương pháp dạy con tuổi dậy thì

HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189

1. Vấn đề sinh lý

Bước vào lứa tuổi dậy thì, các con sẽ có những thay đổi rất lớn về mặt cơ thể, một lượng lớn các hormone trong cơ thể thay đổi, cùng những rung động tuổi mới lớn. Chính những điều này đã kéo theo những ảnh hưởng đến mặt tâm lý của các em. Các em trở nên tò mò và muốn tìm hiểu về sự phát triển của chính cơ thể của mình. Tuy nhiên đối với nền văn hoá Á Đông các em gặp phải nhiều rào cản, khó khăn. Khi mà nhiều người cho rằng không nên nói chuyện về tình dục với nhau, thậm chí các cha mẹ không được mang chuyện tế nhị đặc biệt về câu chuyện dậy thì và tình dục. Chính những điều này càng khiến các em trở nên hoang mang và bứt dứt với những thay đổi đang diễn ra trong cơ thể mình.

Câu hỏi đặt ra vậy cha mẹ nên phản ứng như thế nào với con trẻ về câu chuyện sinh lý? đã có không ít các bậc cha mẹ chia sẻ với tôi rằng “ngày hôm nay tôi thực sự rất sốc khi phát hiện ra trong lịch sử tìm kiếm youtube của con toàn là những bộ phim sex”. Các bậc cha mẹ đã sửng sốt và có những suy nghĩ rất tiêu cực cho rằng con mình quá hư hỏng rồi, con mình thực sự có vấn đề rồi. Thậm chí có những bậc cha mẹ sử dụng những phương pháp rất tiêu cực với con, có thể tịch thu điện thoại, có thể mắng chửi, thậm chí dành cả giờ để giảng giải đạo đức. Những điều đó không hữu ích gì đối với các con.

Các cha mẹ hãy tưởng tượng tới thời kì các cha mẹ tầm 15, 16 tuổi các bạn thường có cảm giác gì, suy nghĩ gì khi mà cha mẹ mắng chửi mình, nhìn mình như một đứa con hư hỏng. Điều đó có phải rất tệ không? Trong thời buổi công nghệ hiện đại phát triển như ngày nay, chẳng khó gì để các con có thể tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau ở trên mạng xã hội, với sự tò mò của mình, cộng với việc không được hiểu về nó chuyện các em muốn xem, muốn tìm hiểu là điều không thể nào tránh khỏi. Chính cái nhìn nhận rằng con mình hư hỏng khi chúng tìm hiểu về chuyện sex, tình dục, hay cơ thể là hư hỏng đó là điều cần xem xét lại.

Các cha mẹ hãy dành thời gian, ngồi lại chia sẻ với con cái, cha mẹ có thể bắt đầu từ câu chuyện khi cha mẹ bằng tuổi của các con, cha mẹ đã gặp những khó khăn gì, đã gặp những suy nghĩ gì. Hay cũng chính là tò mò và muốn biết điều gì. Từ đó tạo thành một cầu nối gần gũi với con cái, về những kiến thức cha mẹ biết, có thể chia sẻ với các con. Cha mẹ cũng có thể tìm chính những cuốn sách giáo dục giới tính để gửi tặng đến con cái, để các con có thể đọc, có thể hiểu về chính cơ thể mình.

2. Vấn đề tình cảm đối với bạn khác giới

Câu chuyện tình yêu, tình bạn khác giới đối với các em thuộc lứa tuổi này là điều làm cho cha mẹ vô cùng lo ngại. Nhiều bậc cha mẹ đã sốt ruột cấm đoán, hoặc tỏ ra mệt mỏi, lo sợ khi phát hiện con có những mối quan hệ khác giới. Tuy nhiên điều đó cũng gây ra cản trở vô cùng lớn đối với sự lắng nghe, chia sẻ và định hướng giúp con. Vì sự quá lo lắng mà chúng ta trở nên mất bình tĩnh, mất kiên nhẫn với con cái, thay vì vậy cha mẹ chọn cách cấm đoán và cho rằng đó là cách an toàn nhất.

Khi con cái của bạn có mối quan hệ khác giới, trước hết nếu cha mẹ thực sự muốn trở thành chuyên gia định hướng giúp con, hãy trở thành người bạn thân thiết, và tạo ra cảm giác an toàn đối với con cái lúc đó các con sẽ không tạo ra một khoảng cách với cha mẹ. Khi đó bạn mới có cơ hội để được truyền tải những thông điệp của bạn tới các con. Bởi bạn không phải là người sẽ đi cùng con 24/24 giờ để mà cấm đoán con. Cấm chưa bao giờ là cách phù hợp và tích cực đối với con cái.

Bạn có thể bắt đầu với con bằng chính những câu hỏi quan tâm hàng ngày, sau đó có thể chia sẻ những câu chuyện mà bạn trải qua trong quá khứ về chuyện tình cảm, cái thời mà bạn ngơ ngác, tương tư một ai đó với con. Tiếp đó có thể là thông cảm cho các cảm xúc của con, đến lứa tuổi này có lẽ khó có ai tránh né được những trạng thái bâng khuâng thích, hay mến mộ ai đó, thậm chí là theo đuổi, hoặc trong mối quan hệ thân mật, thường xuyên tâm sự. Khuyến khích các bạn ấy có sự chia sẻ đối với cha mẹ khi gặp những khó khăn, vướng mắc.

Dẫu biết rằng, mỗi trường hợp sẽ có những khó khăn riêng, và nếu thực sự có thể giao tiếp được với con cái thì đó là tín hiệu tích cực nhất, nhưng cũng có nhiều trường hợp các bạn hoàn toàn tẩy chay việc chia sẻ câu chuyện riêng tư với cha mẹ. Lúc này các bậc cha mẹ cần chấp nhận một điều rằng, sẽ có những lúc con cái cần trưởng thành, hiện tại chúng cần có những đợt tập dượt, và chúng ta không thể nào đủ sức với tới tất cả những câu chuyện riêng tư của trẻ. Hãy luôn tạo cho con một cảm giác rằng bất cứ khi nào con gặp khó khăn, con hãy chia sẻ với cha mẹ, cha mẹ vẫn ở đây và lắng nghe con, thậm chí cả những điều con cảm thấy tổn thương hãy tâm sự có thể qua những dòng thư, dòng tin. Để cha mẹ có thể được hiểu các con đang trải qua những điều gì.

3. Vấn đề mối quan hệ với cha mẹ

Có lẽ sẽ có nhiều cha mẹ sẽ nhận thấy rằng khi đến tuổi dậy thì bố mẹ, người thân nói gì chẳng bao giờ các con nghe và thấy là đúng, nhưng đối với người ngoài như bạn bè, thầy cô nói gì cũng gật gù tin tưởng hơn. Thậm chí có nhiều bạn còn gần như xa cách hẳn với cha mẹ mình, trở nên ít nói và trầm tính hơn. Chính vì vậy làm cha làm mẹ lúc này không thể quá mức nghiêm khắc với con, nhưng cũng không thể buông thả. Việc bố mẹ cần lúc này là trở thành người bạn, người đối tác với con. Không phải là người yêu cầu con phải làm theo ý mình, hay giảng giải đạo lý với các con. Cha mẹ có thể đặt những câu hỏi để con nhận ra vấn đề, thay vì lý giải và khuyên răn con. Các cha mẹ trong vai trò sẽ là cố vấn, không mang vị thế bậc trên để áp đặt con theo ý của mình.

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 16-11-2022 bởi tuvanannam

Cùng chuyên mục


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com