Làm bố mẹ là nhiệm vụ khó nhất trong cuộc đời mỗi con người, nhất là khi con bước vào độ tuổi dậy thì – tuổi vị thành niên với rất nhiều sự biến đổi về tâm sinh lý. Cũng giống như em và gia đình; có nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bế tắc, bất lực khi có con ở vào độ tuổi này. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về câu chuyện đã được em chia sẻ ở trong thư.
Tuổi vị thành niên theo quy định phổ biến nhất thì là những người ở trong độ tuổi từ 10-18 tuổi. Ở độ tuổi này, các bạn ấy chưa đủ trưởng thành để có thể suy nghĩ thật thấu đáo để đưa ra quyết định phù hợp và chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Thế nhưng các bạn cũng không còn nhỏ để răm rắp nghe theo lời của bố mẹ nữa. Hầu hết, các bạn ở độ tuổi này mong muốn có được cuộc sống tự do, độc lập, được làm những điều bản thân mong muốn giống như một người lớn thực thụ. Vậy nên, bố mẹ cần có sự khéo léo trong cách ứng xử, giáo dục con khi con đang ở trong độ tuổi này. Nhiều người vẫn gọi tuổi dậy thì – tuổi vị thành niên là một giai đoạn giống bão, hay tuổi nổi loạn bất trị. Có khá nhiều chuyện ồn ào xảy đến trong một cá nhân ở độ tuổi này.
Đúng như chia sẻ của em, đánh đập, trừng phạt quá nặng không còn là cách dạy con mang lại hiệu quả nữa. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có rất nhiều cách giáo dục khác có thể áp dụng: từ sự thay đổi nhận thức, cho đến đề ra kỷ luật trong hệ thống hành vi để mọi người tuân theo hệ thống kỷ luật đó. Trong thư em chưa chia sẻ về việc gia đình em đã biết được nguyên do cụ thể em gái em lấy tiền để là gì? Em có thể chia sẻ thêm với chúng tôi về điều này, bởi vì mục đích, động cơ mà em gái em lấy tiền là một yếu tố rất quan trọng giúp chúng ta có thể hạn chế hành vi lấy tiền của em. Trên thực tế thì gia đình em có bao giờ cung cấp một khoản tiền nho nhỏ cho em gái em sử dụng trong việc cá nhân không? Ví dụ như ưu tiên mỗi ngày sẽ cho bạn ấy 20.000 đồng trong ví để bạn ấy mua những vật dụng, đi xe,… có nhiều gia đình cho rằng trẻ nhỏ không nên cho tiền sẽ sinh hư hỏng, hoặc trẻ nhỏ cần gì tới tiền nên không thực hiện điều này. Nhưng mỗi chúng ta đều có một nhu cần cá nhân như muốn mua một món ăn, hay một vật dụng nho nhỏ không có tiền chúng ta sẽ tìm kiếm. Bản thân trẻ nhỏ cũng vậy, họ sẽ có nhu cầu mua cái này, cái kia vài đồ vật dụng nho nhỏ, đôi khi trong lớp kháo nhau mua đồ ăn vặt. Khi các bạn xung quanh chúng đều được phép như vậy mà nó không được cũng dễ nảy sinh các hành vi lệch chuẩn như ăn cắp tiền để thực hiện mục đích mong muốn của mình khi được thôi thúc.
Trong thư em chia sẻ rằng từ lúc em gái em biết sử dụng facebook thì em ấy có nhiều nét hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, không biết là những hành vi đó, những sự thay đổi đó kéo dài trong khoảng thời gian bao lâu rồi? Trên thực tế, muốn thay đổi một hành vi nào đó, thì khoảng thời gian hành vi đó được duy trì cũng rất quan trọng. Thêm một điều nữa em cũng có chia sẻ là gia đình em không muốn đánh đập, nên sử dụng biện pháp nói chuyện để thay đổi nhận thức của bạn ấy? Vậy không biết là mọi người trong gia đình em đã nói chuyện với bạn ấy theo cách nào và cuộc nói chuyện bao gồm những nội dung gì? Trong quá trình nói chuyện với bạn ấy thì cách bạn ấy tiếp nhận những lời bố mẹ nói như thế nào? Đôi khi, cách nói chuyện như thế nào cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiếp thu của đối phương. Cùng với đó, việc đối phương thay đổi như thế nào cũng bị chi phối bởi rất nhiều nguyên nhân. Có nhiều bạn hành động và không nhận ra được hành động của mình là sai lầm; cũng có những bạn biết mình làm như thế là sai, là không đúng; nhưng các bạn lại không biết cách nào để sửa đổi hành vi của mình; thậm chí kể cả khi bạn ấy đã biết được cách sửa đổi hành vi rồi nhưng lại không thể kiểm soát được thói quen của chính bản thân mình.
Đối với mọi sự thay đổi, cần tác động từ mặt nhận thức trước, khi nhận thức thay đổi rồi thì sự thay đổi hành vi mới triệt để và mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như em và gia đình muốn bạn ấy không tiếp tục hành vi ăn cắp nữa. Trước tiên, gia đình phải nói chuyện để tìm hiểu vì sao bạn ấy lại có hành vi ăn cắp như vậy? Là để bạn ấy phục vụ những nhu cầu cơ bản của bản thân; Hay là vì những nhu cầu khác không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của bạn ấy? Bước tiếp theo, gia đình nên tìm hiểu xem sau khi thực hiện hành vi ăn cắp tiền đó thì bạn ấy cảm thấy như thế nào? Có cảm thấy thoải mái, vui vẻ không; hay là cũng có sự khó chịu, dằn vặt bản thân? Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và hiểu rõ nhận thức của bạn ấy rồi thì gia đình mới có thể tìm ra giải pháp phù hợp để giúp bạn ấy thay đổi. Có thể giải pháp là thay đổi nhận thức của bạn ấy, có thể là cùng bạn ấy đề ra một kế hoạch cho bạn ấy thay đổi (khi có kế hoạch cụ thể rồi thì mọi hành động, bước đi của bạn ấy cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn); nếu có thể, sự đồng hành của các thành viên trong gia đình cũng là một điều rất cần thiết. Người đồng hành sẽ giúp bạn ấy kiểm soát, nhắc nhở quá trình thay đổi của bạn ấy. Lâu dần nó sẽ hình thành một thói quen mới thay vào những thói quen chưa lành mạnh của bạn ấy.
Tuy nhiên, trong trường hợp cả gia đình đã cố gắng bằng mọi cách rồi nhưng vẫn không thể thay đổi được bạn ấy; thì gia đình có thể đưa bạn ấy đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để có thể hiểu rõ và trợ giúp cho bạn ấy một cách tốt nhất. Chúc em và gia đình sức khỏe và hạnh phúc!
Thân ái!