Đã bao lâu rồi bạn không khóc như một đứa trẻ ?
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng đã bao lâu rồi mình không khóc như một đứa trẻ? Tại sao bạn cứ phải mơ ước về cuộc sống của một đứa trẻ, trong khi bạn cũng có thể sống như một đứa trẻ, buồn thì khóc, vui thì cười khi bạn là người lớn mà.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Liệu bạn có hiểu được những tình cảm đặc biệt này không?
- Yêu thương con phải đúng cách
Đã từ lâu mọi người hay mặc định khóc là biểu tượng của nỗi buồn, còn nụ cười là biểu tượng của niềm vui; nhưng càng lớn lên chúng ta lại hiểu ra một điều rằng, “khóc chưa hẳn đã buồn, cười chưa hẳn đã vui”. Thậm chí, nhiều người còn vô tình nhận ra rằng đã lâu lắm rồi mình không còn cười như một đứa trẻ, cũng đã lâu lắm rồi mình không khóc như một đứa trẻ.
HOTLINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 0904030189
Ngày còn nhỏ, tôi nhớ rằng tôi dễ cười lắm: được bố mẹ khen tôi cười, được chị mua cho một cái áo mới tôi cười, được bà cho 2 ngàn đi mua bánh kẹo tôi cười; đi chăn bò ngồi nói chuyện phiếm với đứa bạn tôi cười, xem bộ phim hài tôi cũng ngồi cười ngả nghiêng đến quặn thắt bụng… Nhưng gần đây tôi nhận thấy rằng đã lâu lắm rồi tôi không có cho mình những nụ cười tự nhiên, thoải mái như vậy nữa. Từ ngày tôi trưởng thành và rời xa gia đình, dường như tôi trở nên ít cười hơn nếu không muốn nói là cau có, nhăn nhó khá nhiều. Nụ cười cũng không còn tươi như trước nữa, thay vào đó là những nụ cười gượng gạo. Có những khi dù trong lòng có nhiều điều không vui, nhưng theo phản xạ vẫn cười, cười để không muốn mọi người lo lắng, cười để người khác không nhìn ra được tâm trạng của mình.
Ngày còn nhỏ, tôi nhớ rằng tôi cũng dễ khóc lắm: bố mẹ mắng tôi, tôi có thể gào khóc bù lu bù loa lên; bị anh trai trêu chọc tôi cũng gào lên mách mẹ, bị bạn đánh tôi cũng khóc… Ngày đó, có điều gì không hài lòng, có điều gì cảm thấy oan ức tôi đều khóc, khóc thật to để mọi người biết được tôi đang không vui, để mọi người biết tôi đang có chuyện bất bình và sẽ có người đến bảo vệ, bênh vực tôi. Nhưng đến bây giờ, tôi ít khóc hơn, ít mách bố mẹ về những vấp ngã hay có những điều gì đó khó khăn trong cuộc sống. Tôi hiểu rằng, khi lớn lên, khi trưởng thành rồi mình phải dũng cảm đối mặt với mọi thứ chứ không thể làm phiền bố mẹ quá nhiều. Thậm chí, ngày xưa tôi thường khóc rất to, khóc thành tiếng, nhưng lớn lên tôi thấy ít khi mình gào khóc vì một vấn đề gì đó, cũng ít khi để cho người khác thấy được những giọt nước mắt của mình. Chủ yếu là những lần cố gắng kiềm chế những ấm ức trong lòng, sau đí đến một chỗ nào đó chỉ có riêng mình mới bật khóc; đó là những lần đi trên đường mắt cứ rưng rưng, nhòe đi và giọt nước mắt lăn dài trên má; đó là những lần nhân lúc trời mưa để cho nước mắt hòa lẫn vào mưa; đó là những đêm tối, tắt đèn đi ngủ từ sớm nhưng nước mắt lăn dài ướt đẫm gối đến gần sáng, đôi khi cắn nát hết môi để không bật lên thành tiếng vì không muốn đứa bạn bên cạnh biết được mình đang có chuyện.
Sau này tôi mới nhận ra, lớn cũng là người, nhỏ cũng là người, mà đã là con người thì sẽ có cảm xúc, tại sao cứ phải che giấu cảm xúc của mình như vậy làm gì? Nếu bạn vui thì hãy cười thật tươi, nếu bạn buồn thì hãy khóc thật to. Có thể bên ngoài xã hội có nhiều người không khiến cho bạn cảm giác có thể tin tưởng để sống thật với cảm xúc của mình, vậy bạn hãy tìm cho mình những người bạn thân để những lúc quá mệt mỏi, quá ức chế, bạn có thể tìm đến và chia sẻ, giải tỏa bớt phần nào cảm xúc của mình; bạn cũng có thể tìm về bên bố mẹ, gia đình những lúc quá cô đơn, ấm ức.
Nếu bạn cứ luôn ép mình phải đeo mặt nạ trong chặng đường 60 – 70 năm hoặc hơn, bạn sẽ vô cùng mệt mỏi. Nếu mệt mỏi mà không thể tìm ai đó để chia sẻ thì bạn sẽ rất cô đơn. Bạn có cam tâm với một cuộc sống như vậy? Liệu cuộc sống đó có ý nghĩa đối với bạn? Nếu không, bạn có muốn thử làm điều gì để thay đổi nó?
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng đã bao lâu rồi mình không khóc như một đứa trẻ? Tại sao bạn cứ phải mơ ước về cuộc sống của một đứa trẻ, trong khi bạn cũng có thể sống như một đứa trẻ, buồn thì khóc, vui thì cười khi bạn là người lớn mà.
Bài viết liên quan: