0904030189

Phải làm gì khi con nghịch ngợm, không nghe lời người lớn?

Phải làm gì khi con nghịch ngợm, không nghe lời người lớn?

Con cứ đi tới đâu thấy ghế là lật đổ hết, đồ chơi bé không chịu nhặt chơi từng món hay ngồi yên nghiên cứu lắp ráp, mà cứ đổ hết tung toé ra đầy nhà. Lắp 1 số thứ cứ đẩy món này vô món khác rất mạnh tay. Nhưng mình nói bé làm mạnh hơn. Mình thực sự không biết phải làm gì khi con nghịch ngợm như vậy?



Lời tâm sự

Con trai mình năm nay 37 tháng tuổi, từ khoảng 2 tuổi bé chạy nhảy luôn tay luôn chân suốt ngày không lúc nào ngồi yên nửa phút. Mà cháu mắc bệnh khò khè nữa. Đi khám bác sỹ con thở không được nhưng vẫn chạy nhảy liên tục. Bác sỹ nói con nghịch vậy sao không khò khè cho được.

Đi tới đâu thấy ghế là lật đổ hết, đồ chơi bé không chịu nhặt chơi từng món hay ngồi yên nghiên cứu lắp ráp, mà cứ đổ hết tung toé ra đầy nhà. Lắp 1 số thứ cứ đẩy món này vô món khác rất mạnh tay. Nhưng mình nói bé làm mạnh hơn, có khi thì cũng nghe dạ vâng đó; nhưng nghe xong lại vẫn vậy. Chuyên gia có cách nào chỉ bảo mẹ cháu với?

Chuyên gia tham vấn tâm lý:

Chị thân mến, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi lời tâm sự tới chuyên mục Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư vấn An Nam.

Trẻ con vào khoảng 3 tuổi là thời điểm con bắt đầu nghịch ngợm, ương bướng và hay làm theo ý mình mà không quan tâm, để ý đến mọi điều xung quanh. Cũng giống như chị, nhiều phụ huynh khi có con bước vào độ tuổi này cũng đều cảm thấy bất lực chẳng biết làm gì khi con nghịch ngợm, khó bảo; không biết phải giáo dục con thế nào cho đúng khi đánh con cũng không được; mà nói con lại chẳng nghe. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về vấn đề của chị.

 

Trước tiên, chị cần hiểu được rằng, khoảng 2-3 tuổi là giai đoạn khủng hoảng trong ba lần khủng hoảng lớn trong cuộc đời mỗi con người gồm: khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi dậy thì và khủng hoảng tuổi già. Con khi bước vào độ tuổi lên 3 hoặc gần ở độ tuổi này thường có những biểu hiện khủng hoảng như: ngoan cố, tự tiện, bướng bỉnh, chống đối, nghịch ngợm… Tất nhiên, không phải ở cùng một độ tuổi thì các con đều có biểu hiện như nhau. Trên thực tế, có những trẻ biểu hiện rõ, đầy đủ những dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 3; nhưng cũng có những trẻ có ít biểu hiện hơn hoặc biểu hiện ở mức độ nhẹ hơn. Thế nhưng bố mẹ cần biết được những điều này để có cách ứng xử phù hợp với con hơn.  Nếu chị nghĩ rằng đứa trẻ nào ở độ tuổi này cũng đều như vậy, bản thân mình cũng đã từng là một đứa trẻ như thế; đã là trẻ con thì ương bướng, nghịch ngợm là một điều bình thường thì chị sẽ đối mặt với con một cách nhẹ nhàng hơn.

Chị cũng có chia sẻ rằng, từ lúc được khoảng 2 tuổi, con chị bắt đầu có những biểu hiện nghịch ngợm, hay chạy nhảy, không nghe lời người lớn. Tôi băn khoăn không biết trong vòng khoảng một năm qua, chị đã có cách ứng xử, dạy dỗ con như thế nào? Nó mang lại hiệu quả ở mức độ nào? Con còn nhỏ, khả năng nhận thức chưa cao nên những biểu hiện về hành vi, nhận thức, cần được sự định hướng và kiểm soát nhất định của bố mẹ. Tuy nhiên, quá trình định hướng, giáo dục này cũng phải thực sự khéo léo, nếu không sẽ gây ra phản ứng ngược lại.

Con có tập trung hay không, có tỉ mỉ, cẩn thận lắp ghép đồ chơi không là tùy thuộc vào tính cách của từng đứa. Nhưng thường, ở độ tuổi này, khả năng tập trung của các con thường không được cao, khi làm một điều gì đó không được thì trở nên cáu bẳn và phá tung tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, những hành động như xô bàn ghế là những hành vi nếu duy trì quá lâu thì sẽ hình thành một thói quen xấu khó thay đổi trong tương lai sau này. Chính vì vậy, chị nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao con lại làm như vậy, sau khi thực hiện những hành động đó thì con được gì? Bên cạnh đó, nếu muốn con không duy trì một hành vi nào, chị cần giải thích cho con hiểu vì sao con không nên, và không được làm những điều đó như: con sẽ làm hỏng đồ, làm ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến sức khỏe của con… Thế nên, nếu sau này con vẫn tiếp tục có những hành động như vậy bố mẹ sẽ phạt con, ngược lại nếu con không làm như vậy thì cuối tuần mẹ sẽ làm cho con món ăn con thích, đưa con đi công viên… Khi con còn nhỏ, bố mẹ nên đưa ra hình thức thưởng phạt phù hợp để con có động lực thực hiện nhằm có được phần thưởng cũng như không thực hiện một hành vi nào đó vì sợ bố mẹ phạt.

Ở tuổi lên 3, trẻ có nhiều vấn đề khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng, băn khoăn, nhiều khi là bất lực không biết làm gì khi con nghịch ngợm, không nghe lời. Nhưng bố mẹ hãy cố gắng tìm hiểu về độ tuổi của con và hiểu con nhiều hơn để giúp con vượt qua tốt giai đoạn khủng hoảng này. Chúc bạn thành công!

Thân ái,

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 16-11-2022 bởi tuvanannam

Bài liên quan


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com