Đối với các gia đình thì việc giáo dục con cái đã không còn chỉ là vai trò và trách nhiệm của người mẹ nữa mà là trách nhiệm của cả gia đình, giáo dục con trẻ cũng không còn đơn giản chỉ là hàng ngày bảo con nên làm cái này, không nên làm cái kia mà là tất cả các thành viên trong gia đình hóa thành một chuẩn mực gương mẫu để cho con trẻ trong nhà có thể học hỏi thành người. chính vì vậy nhiệm vụ giáo dục đã trở thành vai trò và trách nhiệm của cả gia đình.
Ai có con mà không phải dạy dỗ, nhưng dạy dỗ cách nào để có hiệu quả lại là một nghệ thuật lớn, cần phải nắm rõ những nguyên tắc đã được đúc kết từ nhiều công trình nghiên cứu giá trị và nhất là, đã được rút ra từ thực tế cuộc sống của thời đại hôm nay. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những nguyên tắc dạy con cái trong gia đình tại đây nhé.
1. Xác định tầm quan trọng trong giáo dục con cái
Cha mẹ phải nghiêm túc trong việc dạy bảo con cái. Điều này giúp các bậc làm cha mẹ không trao phó hay ỷ lại quá nhiều vào những người khác như nhà trường, người thân, người giúp việc….
Họ cần có định hướng để chủ động và phát huy tính sáng tạo nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. chính vì thế nên các bậc làm cha mẹ cần trang bị, nâng cao kiến thức và khả năng giáo dục của mình.
Cha mẹ là người có quyền tác động đến sự phát triển và định hướng đến tương lai của con mình. Nếu giáo dục không có định hướng, đứa trẻ không phát huy được khả năng của mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ định hướng một cách chủ quan theo kỳ vọng và ý thích, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy căng thẳng, tự trách, suy sụp tinh thần và thể chất, oán hận và trách cứ cha mẹ. Bản thân người làm cha mẹ, sau một khoảng thời gian dài, cũng đau khổ nhận ra mình đã làm uổng phí thời gian, tuổi trẻ và sức lực của con cái
Để đạt hiệu quả, đòi hỏi việc định hướng phải dựa vào khả năng thực tế của đứa trẻ. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương và được cha mẹ thấu hiểu mình hơn.
2. Xác định mục tiêu giáo dục con
Khi giáo dục con cái thì các bậc cha mẹ cần phải xác định rõ mục tiêu giáo dục con. Bạn cần phải định hình trước về sự phát triển của trẻ và không được để cho trẻ “tự do phát triển” mà phải uốn nắn và dạy dỗ dần dần để trẻ có thể nhận biết được đúng sai, có thêm hiểu biết và trách nhiệm với gia đình, bạn bè và xã hội.
Tuy nhiên cũng có không ít bậc làm cha mẹ xác định mục tiêu theo ý riêng của mình. Họ mong đợi quá nhiều ở con cái. Sự kỳ vọng đó làm cho đứa trẻ cảm thấy căng thẳng, thiếu tự nhiên, thiếu tự tin, lâu dần dẫn đến mệt mỏi, trầm cảm,… và đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Cha mẹ cần xác định rõ những mục tiêu ngắn hạn theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và những mục tiêu lâu dài trong tương lai. Việc xác định các mục tiêu này cần dựa trên cơ sở đặc điểm cụ thể của từng đứa trẻ và điều kiện gia đình.
Xem thêm: Lợi ích, tầm quan trọng và phương pháp giáo dục học tập cho con cái
3. Làm gương, tạo không khí ấm áp
Giáo dục trẻ bắt đầu từ cái nôi gia đình và cha mẹ là những người thầy đầu tiên của chúng. Nhãn quan của trẻ con về thế giới xung quanh được hình thành, dựa trên những tiếp xúc và giao tiếp của chúng với những người chúng gần gũi. Con cái lệ thuộc, hay để ý và bắt chước cha mẹ. Do đó cha mẹ là người trực tiếp gieo vào tâm hồn trẻ những hạt giống yêu thương, trung thực, tốt bụng….hay giả dối, gây hấn, bạo lực….
Ngoài ra gia đình cũng cần tạo ra không khí gia đình ấm áp hòa thuận để trẻ có thể có được cảm giác an toàn khi về nhà, gia đình có kỷ luật, nề nếp sẽ khiến trẻ dễ theo khuôn phép và dễ uốn nắn, dạy bảo hơn.
4. Tôn trọng nhân cách
Tôn trọng là bảo vệ sự phát triển hồn nhiên theo từng lứa tuổi và tạo điều kiện để nhân cách trẻ phát triển cách toàn diện
Cha mẹ cần lắng nghe, không áp đặt và chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc của chúng
Lắng nghe và tham dự vào cuộc sống hằng ngày của con cái. Không xúc phạm, vùi dập trẻ bằng những hình thức hữu hình và vô hình
Không làm tổn hại đến tinh thần và thể chất của trẻ. Sự thiếu tôn trọng con cái dẫn đến những tác hại nghiệm trọng về thể lý và tâm lý, gây cho con một áp lực vô hình. Nếu tình trạng này kéo dài, tâm lí của trẻ bị tổn thương dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Xem thêm: Những đầu sách hay về giáo dục con cái
5. Yêu thương – nghiêm khắc
Nhờ yêu thương, trẻ cảm nhận ngay được điều này để từ đó thấy mình có giá trị, tự tin và tự trọng. Qua nghiêm khắc, trẻ biết giới hạn và điều chỉnh để tiến bộ.
Quá yêu thương nhưng ít nghiêm khắc, trẻ sẽ ỷ lại và yếu đuối, thiếu tự lập.
Quá nghiêm khắc, ít yêu thương, trẻ sẽ trở nên nhu nhược, chai lì.
Phải điều chỉnh cho phù hợp với mỗi tình cảm và khuynh hướng của từng trẻ. Để biết rõ khuynh hướng và tình cảm ấy cần phải có thời gian để gần gũi, chia sẻ và chơi đùa với chúng.
Xem thêm: Cách giáo dục con cái của người Mỹ
6. Thống nhất
Ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác phải thống nhất quan điểm, rồi xác định vai trò của mình và đề ra cách thức hướng dẫn con cháu. Thiếu sự thống nhất này sẽ dẫn đến những hậu quả không nhỏ, trẻ sẽ hoang mang không biết nghe ai, tin ai, rồi tự xoay sở, thăm dò, cuối cùng ngả theo người quyền lực nhất trong nhà. Từ đó, trẻ sẽ dần biến thành một kẻ cơ hội, giỏi đối phó nhưng thiếu trung thực.
Gia đình cần đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu, thay vì áp đặt ý chí và kỳ vọng của cha mẹ lên con cái.
7. Hiểu con để có phương pháp phù hợp
Khác với những kiểu áp đặt, coi con cái như “vật sở hữu” để áp đặt nhào nặn con cái theo ý muốn và khuynh hướng riêng mình, cha mẹ phải tự trang bị những kiến thức và kỹ năng giáo dục con, hiểu tâm lý theo từng lứa tuổi và nhất là những đặc điểm của từng đứa con trong gia đình. Một công việc không hề là nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng cũng thật thú vị và hấp dẫn cho những ai muốn xây dựng một gia đình đúng nghĩa.
Muốn dạy con cái nên người thì cần phải có những nguyên tắc nhất định. Mong rằng 7 nguyên tắc giáo dục con cái trong gia đình chúng tôi vừa nêu ở trên sẽ giúp ích cho phụ huynh trong việc giáo dục con em của mình. Chúc các bạn thành công,
Bài viết liên quan: