Tác động của cảm xúc tiêu cực lên bạn và cách cải thiện chúng – Phần 1
Ai trong chúng ta cũng biết rằng, một ngày chúng ta trải qua vô vàn cảm xúc khác nhau: vui, buồn, giận dỗi, đáng yêu, hạnh phúc,… Tất cả những cảm xúc ấy được chia ra làm hai loại cảm xúc chính: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Một điều chúng ta ít biết rằng, những cảm xúc đó không chỉ gây tác động và điều chỉnh hành vi ngay tại thời điểm đó mà chúng còn có sự ảnh hưởng tới những hệ quả lâu dài về sau nữa.
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Những thói quen nếu không biết kiểm soát sẽ có hại
- Sống có quy tắc giúp tinh thần khỏe mạnh
Mỗi ngày bắt đầu con người lại thức dậy với một tâm thế mới, chả ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra phía trước, cũng chả ai biết hôm nay trên con đường quen thuộc liệu có ai vô tình bắt chuyện với ta hay không, liệu có ai vô tình va vào ta và liệu rằng hôm nay sẽ là một ngày đen đủi hay may mắn cả.
Nếu như chú chim họa mi vẫn hót véo von trên cành cây xanh mát, chuồn chuồn vẫn bay lượn tự do trên bầu trời, và bạn vẫn luôn nghe thấy, nhìn thấy điều đó; điều đó vẫn khiến lòng bạn xốn xang, vẫn âm thầm chảy trong bạn sự mát lành thì có lẽ tâm hồn bạn sẽ bình an như cảnh tượng của mẹ thiên nhiên trước mắt.
Nhưng nếu hoa nở có thắm đến mấy, tiếng nhạc có du dương đến đâu, những chú mèo xinh xắn vẫn quấn lấy chân bạn làm nũng mà bạn không cảm nhận thấy niềm vui, bạn chỉ cảm thấy sự trống rỗng và lạnh lẽo bên trong mình, bạn cảm thấy cô độc dù xung quanh biết bao người hỏi thăm bạn; thì điều đó có lẽ báo hiệu rằng trong sâu thẳm tâm hồn bạn, bão tố đang diễn ra và dường như bản thân bạn đang thực sự không ổn. Lúc đó, rất dễ dàng để những suy nghĩ tồi tệ len lỏi vào bên trong bạn và cũng rất có thể những cảm xúc tiêu cực đó lại càng leo thang lên trước.
HOTLINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 0904030189
Bạn có biết, lúc đó bản thân mình đang trải qua điều gì không?
Bạn có muốn biết rằng những cảm xúc tiêu cực đó có thể tác động tới bạn như thế nào không?
Bạn có muốn biết làm cách nào để khắc phục nó không, và thay thế những điều tiêu cực bằng những cảm xúc tích cực hơn?
Hãy đọc tiếp, chúng tôi sẽ cùng trao đổi với bạn về chuyện đó.
1. Tuổi thọ
Trong một nghiên cứu khảo sát 180 nữ tu cao tuổi dòng Thiên chúa giáo, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu những cuốn nhật ký của những nữ tu sĩ này khi tuổi họ còn đôi mươi, họ thống kê tần suất xuất hiện những cảm xúc tích cực rồi đối chiếu với tỷ lệ tử vong của họ ở độ tuổi 75 đến 95. Một điều bất ngờ ở kết quả nghiên cứu này là kết quả tuổi thọ được kéo dài thêm 10 năm ở trung bình những nữ tu có cuộc đời xuất hiện nhiều cảm xúc tích cực hơn so với nhóm còn lại. Đặc biệt, trong thời gian tiến hành nghiên cứu, đã có 35 nữ tu qua đời và trong số họ 25 trường hợp nữ tu thuộc nhóm cảm xúc ít tích cực.
2. Khả năng đề kháng và hệ miễn dịch
Có rất nhiều các nghiên cứu chỉ ra rằng những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, thù địch, căng thẳng, ghen ghét,… không chỉ gây tổn hại về mặt thể chất mà còn để lại những tổn thương nghiêm trọng về lâu dài trong đời sống tinh thần con người. Và điều đó có thể làm tổn hại tới chất lượng cuộc sống và sự hồi phục sau bệnh tật hay chấn thương hay sự kiện sang chấn tâm lý của chúng ta. Trong khi, những cảm xúc tích cực lại mang lại cho chúng ta những sự thư giãn, an toàn như một chiếc đệm giảm đi sức nặng ngàn cân trong cuộc sống. Việc có được những cảm xúc tích cực hàng ngày không chỉ khiến chúng ta nâng cao hệ miễn dịch, tăng sự hồi phục tình trạng sức khỏe và nâng cao tuổi thọ.
3. Tập thể và năng suất lao động
Một tỷ lệ về sự tương tác tích cực/tiêu cực và hệ quả của nó trong năng suất lao động đã được đưa ra là ” 3/1- 3 là tương tác tích cực và 1 tương tác tiêu cực”. Nếu như tập thể nào có tỷ lệ 3/1 thì sẽ đạt mức năng suất lao động cao hơn so với các nhóm không đạt được năng suất này. Có thể hiểu đơn giản rằng một môi trường công việc có nhiều sự tương tác, giao tiếp giữa các đồng nghiệp với nhau, giữa sếp và nhân viên theo chiều hướng tích cực gấp 2 lần chiều hướng tiêu cực thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu như sự tích cực này tăng lên quá nhiều và hơn gấp nhiều lần (vd: 13/1) thì môi trường làm việc ở đây lại không đạt được hiệu quả như mong muốn.
4. Chất lượng mối quan hệ
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang trong một mối quan hệ với một người bạn đời trông rất hoàn hảo. Anh ta đẹp trai, thân hình săn chắc với 6 múi rõ ràng, chơi thể thao siêu giỏi, nhảy đẹp, ga lăng, biết 4 ngoại ngữ trên thế giới và làm chủ một công ty kếch sù. Và bạn chẳng chờ mong một kết cục đẹp đẽ nào hơn rằng việc được ở bên cạnh anh ấy và san sẻ những tình cảm bên trong bạn. Nhưng sau đó, khi bạn quen anh ấy một thời gian, bạn nhận ra rằng bạn không phải là đối tượng duy nhất theo đuổi người đàn ông này, quen bạn, anh ấy vẫn tiếp tục nhắn tin, chat chit với những nàng bốc lửa khác. Anh ấy luôn nói không với bạn mỗi lần bạn dò hỏi và so sánh bạn với người khác khi hai người cãi nhau. Anh ấy không thể tham dự cuộc gặp gia đình với bạn, bạn cảm thấy trống vắng trong mối quan hệ của chính mình và không thể ngăn mình ghen tuông với những người con gái khác khi phát hiện anh ấy đang nhắn tin.Cuối cùng thì, một mối quan hệ tưởng chừng như hoàn hảo với người đàn ông mà bao cô gái khác mơ tưởng nhưng khi bạn trong mối tình ấy, bạn không cảm thấy an toàn, bạn không cảm thấy được chia sẻ, bạn cảm thấy sự ghen ghét và khó chịu khi đối mặt với anh ấy. Và này, tình yêu thì đâu chỉ là trái ngọt? Nếu như hai người có những mâu thuẫn, việc chung tay vượt qua nó có thể gắn kết tình yêu giữa hai người, nhưng nếu như tất cả mọi chuyện đều đem lại cho bạn toàn những cảm xúc tiêu cực, thì liệu rằng mối quan hệ tình cảm này có thực sự chất lượng?.(Còn tiếp….)
*Số liệu nghiên cứu tham khảo trong cuốn sách “Bí mật chiếc xô cảm xúc”
Bài viết liên quan: