0904030189

Nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình

Nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình

Thường thì mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình có thể xảy ra rất nhiều, nhưng sự tổn thương không sâu và cũng không lâu. Cãi nhau, đánh nhau khóc, giận dỗi nhau vài tiếng đồng hồ, lâu lắm thì vài ngày rồi đâu lại vào đấy, lại vẫn thương yêu nhau, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.



Lời chia sẻ

Trong cuộc sống gia đình, mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái là vấn đề được đề cập đến khá phổ biến, cùng với đó mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình cũng khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy đau đầu, không biết nên ứng xử như thế nào. Vậy, mâu thuẫn giữa các anh chị em trong gia đình thường xuất hiện bởi những nguyên nhân nào?

1. Cách ứng xử của bố mẹ

Nhiệm vụ làm bố mẹ có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với cuộc đời mỗi con người, và dù có cố gắng nhiều nhưng không phải ai cũng thể trở thành bố mẹ tốt. Thực tế, nhiều ông bố bà mẹ chưa đủ khéo léo để có thể tạo ra sự công bằng tuyệt đối trong cách ứng xử với các con. Dù học hỏi rất nhiều, đọc sách rất nhiều nhưng khi áp dụng vào hoàn cảnh thực tế trong những trường hợp cụ thể lại có chút bối rối và mâu thuẫn vẫn cứ nổ ra.

Anh chị em trong gia đình vẫn xảy ra mâu thuẫn kể cả khi bố mẹ quan tâm rất nhiều đến mối quan hệ giữa các con và để ý đến cảm xúc của mỗi đứa, mong điều hòa mối quan hệ đó thật tốt. Bởi, con người có hoàn hảo đến thế nào đi chăng nữa thì vẫn có một chút ích kỷ, đố kỵ tồn tại trong con người. Với những người càng trẻ, trải nghiệm chưa nhiều, khả năng kiềm chế cảm xúc chưa tốt, hiếu thắng và mong muốn thành công, được người khác chấp nhận càng cao thì càng dễ ganh đua với người khác.

Dẫu biết rằng sống với nhau thì sẽ có mâu thuẫn, nhưng bố mẹ phải luôn là người thật sự đủ khéo léo để giảm bớt mâu thuẫn xuất hiện giữa các con.

2. Sự khác nhau về tính cách

Cứ tưởng cùng một bố, một mẹ đẻ ra; cùng chung một cách giáo dục như nhau thì phải giống nhau, vậy mà lại khác nhau đến không tưởng. Một đứa năng động, một đứa trầm tính; một đứa sạch sẽ, một đứa luộm thuộm; một đứa luôn ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, một đứa thì luôn cãi lý với bố mẹ cho bằng được… và rồi mâu thuẫn cứ thế nổ ra.

Chúng ta chẳng thể đánh giá đứa nào tốt hơn đứa nào, bởi mỗi người sinh ra trên đời đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Chỉ là sự khác nhau đó nếu không biết cách dung hòa và chấp nhận thì dễ có những quan điểm đối lập nhau, dẫn đến mâu thuẫn.

mâu thuẫn giữa anh chị em

HOTLINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 0904030189

3. “Quyền năng” trong gia đình

Ở Việt Nam, có một số quan điểm khiến cho mối quan hệ giữa anh chị em tồn tại nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn, đa phần người lớn đều nghĩ và luôn tác động để các con nghĩ rằng, đã là anh chị thì luôn phải nhường nhịn và bảo vệ em, làm nhiều việc trong gia đình giúp bố mẹ. Còn em thì luôn luôn phải nghe lời anh chị, không được cãi lời.

Chính những quan điểm đó khiến cả anh chị và em đều cảm thấy bất mãn, rằng công việc chung trong gia đình thì phải chia đều cho tất cả mọi người; có chăng thì anh chị lớn hơn phải làm công việc nặng hơn, còn em làm công việc nhẹ hơn, vừa sức của mình. Hay anh chị cũng phải tôn trọng ý kiến của em, có thể anh chị lớn hơn, hiểu biết nhiều hơn, kinh nghiệm nhiều hơn thì phải khuyên bảo, giảng giải cho em hiểu, chứ không phải bác bỏ những lời nói của em.

Trong tình huống này, cách giáo dục của bố mẹ chiếm một vai trò rất quan trọng; nếu bố mẹ không khéo léo giải thích cho con rằng các con phải cư xử như thế nào mới chừng mực; vì sao em phải nghe lời anh chị, và vì sao anh chị phải làm nhiều hơn em thì mâu thuẫn rất dễ xảy ra.

4. Vì quá thân thiết

Hẳn nhiều người cảm thấy ngạc nhiên thắc mắc vì sao chị em quá thân thiết thì lại có nhiều mâu thuẫn?

Tôi đã từng nghe được ở đâu đó câu nói “Đối với anh chị em, tức tối và cáu giận không cần phải kiềm chế; trong khi lịch sự và khoan dung có thể bị bỏ qua”. Thật như vậy, khi càng thân thiết thì chúng ta lại càng ít câu nệ tiểu tiết, cho nên có những điều vô tình làm mất lòng nhau. Chẳng hạn như em dùng đồ của chị như một thói quen nhưng chị lại không thích điều đó; anh hay trêu chọc em gái nhưng vì lỡ tay nên làm em đau, khóc, rồi giận dỗi, đánh mắng nhau…

Cũng có thể, đối với những người khác ta không hy vọng nhiều nên không thất vọng nhiều; còn đối với anh chị em thân thiết ta lại đòi hỏi ở họ nhiều hơn nên hay “bắt bẻ”, có những điểm không hài lòng và dẫn đến mâu thuẫn.

Thường thì mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình có thể xảy ra rất nhiều, nhưng sự tổn thương không sâu và cũng không lâu. Cãi nhau, đánh nhau khóc, giận dỗi nhau vài tiếng đồng hồ, lâu lắm thì vài ngày rồi đâu lại vào đấy, lại vẫn thương yêu nhau, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Điều ta có thể thấy rõ nhất về tình cảm anh chị em trong gia đình là khi có ai đó bên ngoài bắt nạt anh chị em mình thì tất cả đều bảo vệ nhau.

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 17-11-2022 bởi tuvanannam

Cùng chuyên mục


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com