0904030189

Cháu gái thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì?

Cháu gái thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì?

Em có người cháu năm nay học lớp 10, con của chị dâu em. Lúc trước cháu rất vui vẻ, hoạt bát, nói chuyện rất nhiều với mọi người. Khi đi học về cháu kể cho bố mẹ nghe đủ mọi chuyện nhưng từ nửa cuối năm học lớp 9, tâm lý của cháu có sự thay đổi. Cháu trở nên trầm ngâm, ít nói, nói trống không với người lớn. Bên cạnh đó cháu thường mệt mỏi, ủ rũ, thiếu ngăn nắp, gọn gàng. Mặc dù vậy nhưng cháu vẫn học rất giỏi. Em cũng đã tìm cách nói chuyện nhỏ nhẹ với cháu, gần gũi để hiểu cháu hơn nhưng bản thân cháu luôn giữ khoảng cách với em. Lúc này, em cảm thấy hoang mang, không biết phải làm sao để giúp cháu gái của mình. Mong chuyên gia tư vấn giúp em.



Tóm tắt câu hỏi

Chào Tư vấn An Nam!

Em 30 tuổi. Em có 1 người cháu gái. Con của chị dâu. Đang ở nhà em đi học lớp 10. Hiện nay em và mẹ của cháu rất đau đầu và lo lắng với tình trạng của cháu. Mong chuyên gia giúp đỡ em với ạ. Cháu năm nay học lớp 10. Lúc trước cháu là người rất vui vẻ, hoạt bát. Nói rất nhiều. Đi học về là kể bố mẹ nghe đủ thứ chuyện. Cháu học rất giỏi. Nhưng từ thời điểm nửa cuối năm lớp 9 là cháu đến độ tuổi dậy thì và cháu bắt đầu thay đổi hoàn toàn từ đó. Ít nói. Trầm ngâm cả ngày. Đi học về là vào phòng đóng cửa. Không muốn gặp gỡ ai trong gia đình. Trong phòng thì luộm thuộm. Rác rưởi ngâp ngụa. Không làm gì cả. Bố mẹ hỏi gì thì trả lời đó. Nói trống ko. Ra ngoài này ở với chú thím đi học lớp 10 cũng không thay đổi gì hết. Người lớn nói gì thì dạ vâng. Nhờ làm việc này việc khác thì dạ. Không cãi lại gì cả. Nhưng dạ rồi để đó, không làm. Ăn uống sinh hoạt trong phòng luôn. Không muốn gặp mọi người trong gia đình. Nhưng khi đi học thì cháu lại khác. Vui vẻ, nói chuyện hòa đồng với bạn bè. Cô giáo còn phản ánh là cháu nói chuyện riêng nhiều lắm. Nhưng kết quả học cháu vẫn giỏi. Không giảm sút. Nhưng cứ về đến nhà là cháu lại như người khác, buồn buồn xị xị. Có bữa đi học về quên cặp trên trường. Rồi ngủ rất nhiều. Có khi ngủ từ 1h chiều đến 9h, 10h đêm. Rồi thức học khuya. Người lúc nào cũng mệt mỏi ủ rũ. Nói năng với người lớn tuổi cộc lốc, trống trơn. Có khi thím hỏi không buồn trả lời, không chào hỏi ai hết. Phòng ốc ở thì không thể tả được, bẩn kinh hồn. Thím bảo dọn 5 lần 7 lượt vẫn để vậy, không làm là không làm. Cuối cùng thím cũng phải dọn dẹp cho. Rồi lại xả bừa bãi như vậy. Ăn uống xong tô chén để trong tủ đồ. Bảo đem ra cũng không đem. Khóa tủ để trong đó luôn. Có dấu hiệu chống đối lại. Em cũng nhẹ nhàng bảo ban cháu. Nhưng cháu chỉ dạ vâng. Rồi kệ để đó. Ai muốn dọn thì dọn. Em cũng cố gắng gần gũi nói chuyện với cháu nhưng thất bại. Cháu cứ cố tạo khoảng cách. Thực sự em hoang mang quá. Mẹ cháu cũng lo lắng rất nhiều. Mong chuyên gia giúp đỡ gia đình em tháo gỡ. Em cảm ơn ạ

Chuyên gia tư vấn tâm lý:

Em thân mến!

Trước tiên, cảm ơn em đã tin tưởng gửi những lời tâm sự của mình về chuyên mục Tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình của Tư vấn An Nam. Đọc những dòng tâm sự của em, tôi hiểu được tâm trạng hoang mang của em trong lúc này. Tôi lắng nghe, chia sẻ và xin được tư vấn giúp em như sau.

Qua thư em chia sẻ, tôi biết em có người cháu con nhà chị dâu năm nay học lớp 10. Cháu đi học và ở cùng vợ chồng em. Hiện tại, bản thân cháu có những thay đổi khiến em và mẹ cháu lo lắng. Trước đây, cháu rất hoạt bát, hay nói chuyện, đi học về có chuyện gì là kể cho bố mẹ nghe nhưng từ nửa cuối năm lớp 9 cháu bắt đầu có sự thay đổi do bước vào lứa tuổi dậy thì. Từ đó, tính cách của cháu trở nên trầm hơn, ít nói, không thích chia sẻ với mọi người, hễ đi học về là cháu vào phòng đóng cửa lại. Thêm vào đó, cháu có cách nói chuyện trống không, ai hỏi gì thì nói, lối sống không gọn gàng, ngăn nắp, bừa bãi, luộm thuộm. Bản thân em là một người thím, em cũng đã có những lời nói bảo ban cháu nhưng cháu chỉ ậm ừ, dạ vâng rồi để đó chứ không làm. Em phải dọn dẹp nhà cửa, phòng học của cháu. Trước hoàn cảnh này, em cảm thấy hoang mang không biết phải làm thế nào với cháu. Bất cứ ai ở vào hoàn cảnh của em cũng sẽ cảm nhận như thế bởi những điều em thấy ở cháu gái của mình. Em có nói trước đây cháu hay nói chuyện chia sẻ với mọi người, vậy lúc đó lối sống của cháu như thế nào? Cháu có gọn gàng, ngăn nắp hay không? Khi làm việc gì cháu có làm đến nơi đến chốn, chủ động và tự giác làm những việc của mình? Như việc vệ sinh cá nhân, phục vụ bản thân mình. Khi ăn uống xong, cháu có biết dọn đồ, quần áo, đồ dùng cá nhân có để đúng nơi quy định hay không? Bởi hiện tại em chia sẻ khá nhiều về thói quen, lối sống của cháu. Cháu ỷ lại, bừa bãi và không chịu dọn dẹp đồ dùng, phòng học của mình.

Bước vào lứa tuổi dậy thì, cháu sẽ có những thay đổi về mặt tâm sinh lý. Cùng với sự thay đổi về mặt thể chất sẽ kéo theo sự thay đổi về mặt tâm lý. Cháu sẽ có những biểu hiện khác thường về thói quen, tính cách của mình. Nếu trong suốt quá trình trước đó, giữa bố mẹ, người thân và cháu có mối quan hệ tốt, thường xuyên chia sẻ, tâm sự với nhau, cháu luôn cảm thấy an toàn, được mọi người thông cảm, thấu hiểu thì lúc này cháu cũng sẵn sàng sẻ chia. Nhưng nếu bố mẹ, người thân có cách nói chuyện áp đặt cháu, vẫn luôn coi cháu là trẻ con, không hiểu được tâm tư của cháu thì cháu sẽ co mình lại, không muốn nói chuyện, chia sẻ với mọi người nữa. Nhiều bậc làm cha làm mẹ khi thấy con như vậy thì thường trách mắng con, áp đặt con theo ý của mình nên dẫn đến tình trạng các con chống đối, luôn làm theo ý của mình. Bởi các con cho rằng mình đã lớn, có thể suy nghĩ, quyết định theo cách của mình, tỏ ra là người trưởng thành, giám làm giám chịu. Hơn nữa, khi các con không có được sự sẻ chia, cảm thông, tôn trọng từ người lớn thì càng muốn thể hiện bản thân mình theo cách tiêu cực để chứng minh cho mọi người thấy. Cháu em chưa có nhiều hành vi chống đối, bản thân cũng học rất giỏi. Điều này cũng cho thấy, cháu chỉ có sự thay đổi chút ít về tính cách mà thôi nên gia đình hãy bình tĩnh, tìm cách chia sẻ, động viên, khích lệ cháu vượt qua những khó khăn ở lứa tuổi dậy thì.

“Khủng hoảng tuổi dậy thì” là mốc khủng hoảng thứ hai sau “khủng hoảng tuổi lên ba” và trước mốc “khủng hoảng tuổi già”. Đây được xem là khủng hoảng dữ dội nhất trong cuộc đời một con người. Ở lứa tuổi này, các con sẽ có những biểu hiện như thích thể hiện bản thân, luôn muốn được mọi người xung quanh tôn trọng, muốn làm những việc mình yêu thích, có lối sống khác với trước đây. Hiện tại, vấn đề của cháu em cũng chưa đến mức báo động, gia đình nên khéo léo, nhẹ nhàng nói chuyện với cháu xem cháu có gặp phải vấn đề gì khó khăn trong cuộc sống hay không? Chỉ khi về nhà cháu mới như vậy còn lên lớp, trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè cháu hoàn toàn bình thường. Thậm chí cháu còn nói chuyện riêng rất nhiều. Như thế có thể thấy ở nhà, cháu không được chia sẻ, không nói ra được những suy nghĩ trong lòng mình. Nhiều khi cách nói chuyện giữa mọi người với cháu không khiến cháu cảm thấy an toàn, thoải mái, cháu sẽ không nói. Mỗi khi đi học về là cháu lao vào phòng đóng cửa lại không muốn nói chuyện với ai, vậy là do đâu? Cháu đang muốn né tránh, không muốn nói chuyện, nếu ai hỏi cháu chỉ trả lời trống không, nhanh gọn bởi có nói nhiều, giải thích thêm cũng không ai hiểu. Đó là suy nghĩ của cháu. Còn về lối sống thiếu gọn gàng, điều này em cần nghiêm khắc với cháu hơn. Trong gia đình em chắc hẳn có quy định việc ăn uống ở đâu và tuyệt đối không cho cháu mang đồ ăn vào phòng. Những đồ cháu để lại trong tủ, trong phòng, em hãy nghiêm khắc yêu cầu cháu dọn dẹp, mang ra khỏi phòng. Nếu cháu không làm, em có thể nhắc nhở cháu nhiều lần và hãy để nguyên mọi thứ cho cháu dọn, em không làm hộ cho cháu. Khi qua nhiều ngày cháu vẫn cương quyết không dọn, lúc đó em hãy nói chuyện thẳng thắn với cháu, cùng cháu dọn dẹp và nhắc nhở cháu lần sau nên chủ động, tự giác làm mọi việc của mình. Việc cháu ngủ triền miên từ 1h chiều đến 9, 10h tối như vậy, rồi lại thức khuya học bài cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân rất nhiều. Mọi người nên nhắc nhở cháu thay đổi giờ giấc sinh hoạt một cách điều độ hơn. Thêm vào đó, em hãy động viên cháu tham gia tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe của mình. Sức khỏe không đảm bảo, suốt ngày ủ rũ, buồn bã, giờ giấc sinh hoạt lộn xộn sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác.

Cháu gái thay đổi tâm lý

 

HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189

Việc thay đổi những thói quen của cháu không phải ngày một ngày hai là có kết quả mà đó là cả một quá trình với sự kiên trì, nhẫn nại, yêu thương và thấu hiểu cháu. Bố mẹ cũng như mọi người xung quanh mà trực tiếp là em người ở cùng cháu, hãy luôn tỏ ra quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và thông cảm với những gì cháu đang trải qua. Bởi đó cũng là những khó khăn ở lứa tuổi dậy thì, bản thân cháu cũng phải đương đầu. Tuy là thông cảm với cháu nhưng không có nghĩa là bỏ qua mọi chuyện, mặc kệ cháu muốn làm gì thì làm, bậc làm cha làm mẹ, những người thân xung quanh cần giúp đỡ để cháu bước qua giai đoạn “khủng hoảng tuổi dậy thì” một cách nhẹ nhàng nhất. Bố mẹ, người thân hãy lựa những cơ hội nói chuyện nhẹ nhàng, khuyên bảo cháu, chỉ dẫn cho cháu biết bản thân mình phải làm gì, hành động ra sao trong những hoàn cảnh như thế. Sự nóng giận, trách mắng hay thái độ không tôn trọng cháu, coi cháu như trẻ con sẽ chỉ khiến cháu ngày càng rời xa mọi người, cánh cửa tâm hồn cháu khép lại, lúc đó việc trò chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Mong em sớm tìm được hướng giải quyết vấn đề của cháu và luôn vui khỏe trong cuộc sống.

Thân ái chào em!

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 16-11-2022 bởi Lan Lan

Bài liên quan


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com