Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi trong cuộc sống?
Con gái em 15 tuổi, bản thân cháu rất sợ hãi, căng thẳng trong việc học môn toán. Trong mối quan hệ của cháu với bố mẹ và bạn bè cũng không được thoải mái. Cháu có nhiều suy nghĩ và thái độ tiêu cực trong cuộc sống. Liệu con gái của em có bị bệnh gì không? Em phải làm sao để giúp con gái của mình?
- Dịch vụ tham vấn tâm lý trực tiếp tại Văn phòng
- Ba mẹ quá kỳ vọng việc học tập của con
- Chán học và sợ hãi khi sắp đến kỳ thi
Lời tậm sự:
Chào Tư vấn An Nam!
Con gái em năm nay 15 tuổi chuẩn bị thi cấp 3. Nó rất sợ bị điểm danh hay gọi lên đọc và làm bài tập. Cho dù nó học khá và biết làm, cũng tâm lí và không giơ tay. Nhưng ngoại từ môn toán nó học khá kém nên rất sợ và tránh môn đó không bao giờ nhắc tới. Có một thời gian nó không làm được nên bị bạn bè cười nên bắt đầu từ đó nó sợ. Mức độ căng thẳng và sợ hãi của con em khá nặng.
Hồi nhỏ con phải phải uống thuốc bổ não 2-3 năm. Mà từ bé đến lớn em không quan tâm nó được nhiều và hay mắng trách nó dù em sai nên bây giờ em và chồng em không ai gần gũi được với nó. Nó luôn lễ phép và nghe lời nhưng không hoàn toàn nghe lời em và chồng em mà suy nghĩ rất lâu. Nhiều lúc hồi nhỏ em làm việc khá áp lực và mắng và con em phản ứng khá kịch liệt, có xu hướng tự làm hại chính mình như đập đầu vào tường, tự đánh mình, đập đồ để giải tỏa,…. Những lúc như thế em rất sợ con có bị làm sao không nhưng nó lúc ấy không kiềm chế được bản thân mình. Cũng có những lần khác em mắng con nhưng con cứ ngồi thừ ra đó mấy tiếng và không nói năng gì nước mắt con cứ rơi. Nhiều lúc em nghĩ con mình có bị trầm cảm không?
Nó khá tự lập có suy nghĩ trưởng thành không cần ai giúp đỡ. Có lần vì áp lực học tập, gia đình, bạn bè ở lớp xa lánh mà nó dần trở nên trầm tính và ít nói hơn. Trong đầu con em luôn suy nghĩ là phải có thành tích thật cao và được cô giáo quý mọi người mới không chê cười nhà nó. Trong khi em và chồng em không áp lực con việc học. Ở lớp cô giáo nhận xét khá là ngoan nhưng cực kì ít nói, không hay cười đùa như những bạn cùng lớp. Có lúc nó sợ học môn toán đến mức mất ngủ và khóc thầm vào buổi đêm giấu em. Em phải làm sao đây? Con em có bị bệnh gì không ạ?
Chuyên gia tư vấn tâm lý:
Chào em!
Trước tiên, cảm ơn em đã tin tưởng gửi những lời tâm sự của mình về chuyên mục tư vấn Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình của Tư Vấn An Nam. Đối với vấn đề em đang gặp phải, tôi thấu hiểu và xin được chi sẻ cùng em.
Đọc những dòng tâm sự của em, tôi hiểu hiện tại em đang rất lo lắng trước vấn đề của con gái mình. Con em năm nay 15 tuổi và chuẩn bị thi vào cấp 3 nhưng tâm lý của con không được ổn định. Con không giám giơ tay phát biểu ý kiền và luôn trong tâm trạng sợ hãi khi bị cô giáo gọi lên đọc bài hay làm bài. Đặc biệt là môn toán, con học kém và luôn lảng tránh không muốn nhắc tới. Bạn bè cùng lớp không hiểu được sự lo lắng, sợ hãi của con mà còn có những thái độ, hành vi khiến con càng biểu lộ sự tiêu cực của mình hơn. Bên cạnh đó, việc vợ chồng em không thể nói chuyện với con càng khiến mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái xa cách hơn. Con sống khép kín, ít nói và không thể chia sẻ, giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực của mình. Đứng trước vấn đề này của con gái, em lo lắng cũng là điều thường gặp ở bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào.
Em có nói, ngày con còn nhỏ do bận với công việc, em không có nhiều thời gian cho con. Cùng với áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống, em thường xuyên mắng con. Thậm chí có nhiều lần em sai thì con cũng là người phải chịu những trận mắng từ mẹ của mình. Bản thân con không nói ra được những bất bình trong lòng mình mà luôn trong tâm trạng phải hứng chịu những sự tiêu cực từ em. Chính điều này về lâu dài đã khiến con em luôn sống trong tâm trạng sợ hãi, sợ bản thân làm sai sẽ bị bố mẹ mắng, trách phạt. Do đó, hình thành nên tính tự ti, rụt rè, không giám nói ra ý kiến, quan điểm của mình. Đến khi con đi học cũng vậy, con không giám giơ tay phát phiểu bởi sợ bản thân nói sai. Đối với môn toán, con lại học kém như vậy nên sợ hãi, lảng tránh là để bảo vệ bản thân mình. Ở lứa tuổi của con, việc xây dựng hình ảnh bản thân là quan trọng. Con muốn được mọi người xung quanh tôn trọng, đánh giá, thừa nhận năng lực của con trong khi từ nhỏ con không có được điều này cộng với tâm lý tiêu cực dẫn đến những phản ứng như em nhìn thấy. Em có chia sẻ ngày nhỏ khi nhìn thấy con có những hành vi tiêu cực như đập đầu vào tường, tự đánh mình, đập đồ để giải tỏa em rất sợ hãi nhưng em đã không làm gì để giúp con mình. Chính bản thân em luôn sống trong trạng thái căng thẳng, trách phạt con, em không kiểm soát được cảm xúc, hành vi của chính mình nhưng em lại đòi hỏi con làm được điều đó. Con cái chính là tấm gương phản chiếu về người cha người mẹ của mình. Từ cách ứng xử của con như vậy em sẽ thấy bản thân mình đã sai lầm với con như thế nào? Trước đây, con có thường xuyên nói chuyện với em không? Con có nói cho em nghe về những mối quan hệ bạn bè, những khó khăn trong học tập và điều gì con mong muốn nhất? Mơ ước của con là gì? Khi con gặp khó khăn trong học tập, các vấn đề trong cuộc sống, bố mẹ có chia sẻ với con không? Con học kém môn toán như vậy, bản thân em có làm gì giúp đỡ để con tiến bộ? Có kèm cặp hay cho con học thêm? Bố mẹ có thường xuyên khích lệ, động viên con cố gắng hay không? Bên cạnh đó, bố mẹ có trao đổi vấn đề của con với giáo viên chủ nhiệm để nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ phía nhà trường?
Hiện tại, tâm lý của con bất ổn và chuẩn bị thi vào cấp 3, với những khó khăn như vậy, con sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều. Vợ chồng em nên nói chuyện với nhau để hiểu hơn về tình hình của con. Từ đó mới có được những giải pháp giúp đỡ con vượt qua khó khăn này.
HOT-LINE tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến: 24/7: 0904030189
Lứa tuổi của con có nhiều điều rất nhạy cảm, đôi khi chỉ một lời chê trách từ cha mẹ, người thân, bạn bè cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của con. Khi con cảm thấy mình không được quan tâm, chia sẻ sẽ cho rằng bản thân không được yêu thương, không có sự tin tưởng nên mới trở nên trầm tính, ít nói. Chính sự lắng nghe, chia sẻ, khích lệ, động viên là sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái để con nghĩ rằng mình luôn được yêu thương. Con phải cảm nhận được điều đó thì mới tự tin thể hiện bản thân mình, bộc lộ những điểm mạnh để phát huy và điểm yếu mà không sợ bị ai đánh giá, chê bai, trách phạt. Cha mẹ cần yêu thương con vô điều kiện bởi con chính là con, cá thể duy nhất. Con em khá tự lập và suy nghĩ trưởng thành, vậy nhưng con lại không được khích lệ để tiếp tục phát huy điều đó mà khi con làm sai lại là lúc con phải hứng chịu những ứng xử tiêu cực. Đến lúc con mất niềm tin vào chính mình, không muốn chia sẻ với ai bởi không ai cảm thông với những điều con làm. Con luôn cho rằng bản thân phải đạt thành tích thật cao mới được mọi người ghi nhận bởi nếu con làm sai, con không tốt, con thua kém bạn bè con sẽ bị cười nhạo. Với tâm lý như vậy làm sao con em có thể vui vẻ đến trường, có được sự thoải mái trong cuộc sống cũng như các mối quan hệ xung quanh. Lúc này, bố mẹ nên xem xét lại những ứng xử, thái độ với con để thay đổi suy nghĩ, quan điểm của mình trong cách giáo dục con cái và có những hành vi tích cực. Việc trao đổi thường xuyên với con về những vấn đề trong cuộc sống, những khó khăn trong học tập với một thái độ tích cực sẽ giúp con tin tưởng mà chia sẻ. Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, bản thân mỗi người làm cha làm mẹ cũng nên giữ bình tĩnh để lắng nghe sự giãi bày của con mình. Nếu đến cha mẹ cũng không thông cảm, thấu hiểu thì con biết tìm sự chia sẻ, tin tưởng ở đâu? Trong trường hợp cha mẹ đã thay đổi thái độ với con, quan tâm, khích lệ và động viên con rất nhiều nhưng con vẫn không có sự cởi mở, chia sẻ mà tâm lý vẫn có nhiều điều tiêu cực thì em nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý để có được sự hỗ trợ tốt nhất. Mong em sớm giúp con gái vượt qua khó khăn này và tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Thân mến chào em!
Bài viết liên quan:
- Dịch vụ tư vấn nhanh qua E-mail có tính phí
- Lợi ích, tầm quan trọng và phương pháp giáo dục học tập cho con cái