0904030189

Hiểu đúng về rối loạn tự kỷ

Rối loạn tự kỷ

Trong những năm gần đây tự kỷ ở trẻ em là một vấn đề mang tính thời sự được nhiều người quan tâm đến, lý do vì tỉ lệ trẻ tự kỷ có xu hướng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên ở nước ta, kiến thức về rối loạn tự kỷ vẫn còn hạn chế dẫn tới nhiều cha mẹ vẫn hiểu sai, gây ảnh hưởng tới tâm lý và làm chậm trễ việc phát hiện cũng như can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ khiến quá trình hòa nhập của trẻ gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc hiểu đúng về rối loạn tự kỷ là rất cần thiết.



Chia sẻ của An Nam

Theo các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy nếu như năm 2005, tỉ lệ tự kỷ trẻ em dao động 1/150, năm 2009 là 1/110 thì năm 2010 theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) tỉ lệ này là 1/88 và số trẻ mắc tự kỷ mới hàng năm nhiều hơn số trẻ mắc ba bệnh: ung thư, đái đường và AIDS cộng lại. Việc hiểu đúng về rối loạn tự kỷ sẽ giúp cha mẹ đỡ hoang mang hơn cũng như giúp quá trình phát hiện và can thiệp trẻ tự kỷ thuận lợi hơn.

1. Rối loạn tự kỷ là gì?

Rối loạn tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa với sự thiếu hụt ở những lĩnh vực sau: 

– Sự thiếu hụt rõ rệt về tương tác xã hội

– Sự thiếu hụt rõ rệt về giao tiếp (cả giao tiếp không lời và có lời)

– Kiểu hành vi, mối quan tâm, hành động rập khuôn định hình, lặp đi lặp lại và thu hẹp

Mức độ thiếu hụt những mặt này có thể từ nhẹ đến nặng và sự rối loạn này mang tính chất hỗn hợp.

2. Nguyên nhân của rối loạn tự kỷ

Nguyên nhân gây ra rối loạn tự kỷ được xác định là do bất thường ở não bộ bởi nhiều yếu tố kết hợp:

– Di truyền: nhiều nghiên cứu đã và đang xác định có bằng chứng về biến đổi gen, do trẻ có một tổ hợp các gen bất thường. Trẻ sinh đôi đồng hợp tử cùng bị tự kỷ có tỷ lệ cao.

– Do mẹ bị nhiễm rubella, citomegalovirus trong 3 tháng đầu thai kỳ; mẹ dùng thuốc gây tác dụng phụ, tiếp xúc hóa chất độc hại, lạm dùng rượu và chất kích thích, sang chấn tâm lý… trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ tự kỷ.

– Rối loạn tự kỷ cũng có thể xảy ra do các hội chứng bất thường bẩm sinh, chấn thương não khi sinh, đẻ non, các bệnh nhiễm virus, thiếu oxy não, nhiễm độc…

– Yếu tố môi trường xã hội như thiếu quan tâm dạy trẻ, để trẻ chơi một mình, xem TV quá nhiều… không phải là nguyên nhân gây tự kỷ nhưng là yếu tố thuận lợi làm cho rối loạn tự kỷ nặng lên.

3. Thời điểm mắc tự kỷ

Với tự kỷ điển hình (có đủ dấu hiệu những thiếu hụt các mặt) các dấu hiệu xuất hiện dần trong 3 năm đầu ở cả 3 lĩnh vực.

Tuy nhiên đối với trường hợp tự kỷ không điển hình, ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ phát triển tương đối bình thường trong 3 năm đầu nhưng lại có dấu hiệu thoái triển dần và xuất hiện các dấu hiệu tự kỷ.

Tổng đài tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 19006172

4. Ai là người phát hiện, chẩn đoán và can thiệp rối loạn tự kỷ

Trước khi tới trường học, gia đình là môi trường xã hội đầu tiên trẻ tham gia và những người trong gia đình, đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc trẻ cũng chính là người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất và có khả năng theo sát quá trình phát triển của trẻ cũng như phát hiện được những điểm bất thường của trẻ. Nếu cha mẹ phát hiện được những dấu hiệu bất thường này thì trẻ mới có cơ hội được khám và can thiệp kịp thời. Nhìn chung 5 dấu hiệu sau là những chỉ báo xác định của rối loạn tự kỷ:

– Trẻ không nói bập bẹ khi 12 tháng

– Không biết chỉ ngón tay hoặc không có cử chỉ điệu bộ giao tiếp phù hợp lứa tuổi khi 12 tháng

– Không nói được từ đơn khi 16 tháng

– Không nói được câu 2 từ hoặc nói không rõ khi 24 tháng

– Mất đi kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào

Nếu cha mẹ quan sát thấy những biểu hiện này của trẻ, hãy đưa trẻ đến khám tại bệnh viện hoặc các trung tâm đánh giá trẻ tự kỷ. Tại đây, bằng bộ công cụ của mình, các chuyên gia tâm lý học, thần kinh học, bác sỹ nhi khoa, bác sỹ tâm thần… Những người làm công việc đánh giá/chẩn đoán có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm (đã được giám sát và chuẩn hóa) sẽ đánh giá xem trẻ có bị tự kỷ không và mức độ rối loạn của trẻ ở mức nào. 

Sau khi xác định được mức độ rối loạn tự kỷ của trẻ, các chuyên gia sẽ lập kế hoạch và áp dụng những phương pháp can thiệp phù hợp với trẻ. Việc lên kế hoạch cũng như quyết định phương pháp can thiệp rối loạn tự kỷ cần do người có chuyên môn đảm nhiệm. Sau đó, trong quá trình thực hiện, chuyên gia có thể trực tiếp tham gia hoặc chỉ quan sát và tiến hành đánh giá còn trực tiếp tiếp xúc với trẻ là những kỹ thuật viên – người được đào tạo chuyên dạy trẻ. Với một số phương pháp, cha mẹ cũng có thể trực tiếp tham gia giúp đỡ trẻ tại nhà dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.

5. Rối loạn tự kỷ có khỏi hoàn toàn không?

Nếu coi tự kỷ là bệnh thì tự kỷ không chữa được nhưng ngoài những trường hợp đặc biệt khó hòa nhập, có rất nhiều trẻ tự kỷ vẫn đi học, học đại học, có công việc ổn định, trụ vững trong xã hội, vẫn lập gia đình, sinh con… Việc can thiệp trẻ tự kỷ sẽ giúp hình thành các kỹ năng trẻ thiếu hụt và nếu thời gian phát hiện cũng như can thiệp càng sớm thì khả năng hòa nhập xã hội của trẻ càng cao. Chính vì vậy việc cha mẹ quan sát và phát hiện được những biểu hiện bất thường của trẻ, đưa trẻ đi khám kịp thời sẽ giúp quá trình can thiệp trẻ thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn.

Hy vọng nếu có những hiểu biết đúng về rối loạn tự kỷ, cha mẹ sẽ không còn thấy tuyệt vọng, tự trách khi con mắc phải và sẽ giúp can thiệp kịp thời, tăng khả năng hòa nhập xã hội của trẻ.

Bài viết liên quan:

Cập nhật : 18-11-2022 bởi Hương Quỳnh

Bài liên quan


CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Gửi bình luận

CÔNG TY TƯ VẤN AN NAM - CHÌA KHÓA MỞ CỬA NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC CỦA BẠN

Số điện thoại: 0904030189

Email: tuvanannam@gmail.com